Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc nghiên cứu giải pháp hỗ trợ hàng không Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, có giải pháp chiến lược phù hợp về vấn đề hỗ trợ hàng không Việt Nam tăng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường bay quốc tế.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành hàng không thế giới bị tác động nặng nề. Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2020, doanh thu hàng không thế giới bị giảm 419 tỷ USD, các hãng hàng không lỗ 84 tỷ USD, cần 3 năm để khôi phục như trước khi xảy ra đại dịch. Mặc dù các chính phủ trên thế giới đã hỗ trợ hàng không 173 tỷ USD nhưng do dịch liên tục bùng phát, đường bay quốc tế phải đóng cửa, bay nội địa cũng bị hạn chế, các hãng hàng không đuối sức dần.

PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, hàng không Việt Nam có cơ hội để bứt tốc sau đại dịch không chỉ với thị trường trong nước mà còn quốc tế. Theo PGS, TS Trần Đình Thiên, ngành hàng không thế giới bị thiệt hại nặng nề hơn Việt Nam khiến hãng hàng không quy mô càng lớn, thị trường rộng, chi phí cao thì càng gặp khó khăn, nợ, lỗ tăng phi mã. Trong khi tỷ suất lợi nhuận của các hãng hàng không thấp, rất khó gượng dậy nhanh sau dịch. Từ khi dịch bùng phát đến nay, Covid-19 đã “đốt” khoảng 41% giá trị vốn hóa của 116 công ty hàng không niêm yết, trị giá 157 tỷ USD.
PGS, TS Trần Đình Thiên đề nghị Bộ GTVT và các hãng hàng không trong nước cần phân tích rõ hơn đối thủ trên thị trường thế giới để kịp thời kiến nghị Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh, nâng vị thế hàng không Việt Nam trong trật tự hàng không mới của thế giới sau đại dịch. Đồng thời, tăng kích cầu bay nội địa, tận dụng tốt thị trường nội địa, lấy thị trường nội địa làm bàn đạp để bứt tốc ra quốc tế sau dịch.
Chia sẻ với quan điểm này, PGS, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận, để tận dụng được thời cơ cải thiện vị thế trong trật tự hàng không thế giới sau dịch, cần giải quyết nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc của ngành hàng không. Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, trước hết cần xác định rõ quan điểm ưu tiên trong hỗ trợ hãng hàng không. “Nếu buộc phải lựa chọn thì cần phải chọn hỗ trợ số ít hãng hàng không có khả năng hồi phục tốt nhất, có vai trò lớn đối với kinh tế, xã hội và có khả năng cạnh tranh cao nhất ở trong nước cũng như quốc tế.
Tại Hội thảo “Vượt qua khủng hoảng, phát triển bền vững ngành hàng không Việt Nam” được tổ chức gần đây, nhiều hãng hàng không và một số đại biểu đã kiến nghị các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không. Trong đó, cần kéo dài thời gian giảm 50% phí dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và dịch vụ điều hành bay cùng với thời gian áp dụng mức giá tối thiểu đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá cho đến hết năm 2021. Ngừng cấp phép hãng hàng không mới đến trước năm 2024. Cho các hãng hàng không vay 25.000 tỷ đồng trong 3-5 năm, áp dụng lãi suất bằng mức lãi suất tái cấp vốn cho các NHTM của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, kiến nghị bổ sung vào Thông tư số 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 đối với ngành hàng không vào phạm vi, đối tượng được cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, phí… đến hết ngày 31-12-2021. Bổ sung quy định giảm 3% lãi suất cho vay đối với vay vốn lưu động các doanh nghiệp hàng không trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xuống mức 1.000 đồng/lít và kéo dài thời gian áp dụng chính sách giảm thuế BVMT đến hết năm 2021.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng nhấn mạnh một số biện pháp hỗ trợ như: Kéo dài và đơn giản hóa các thủ tục giải ngân các gói hỗ trợ của Nhà nước (các gói hỗ trợ người lao động, hỗ trợ cho một số hoạt động/dịch vụ của doanh nghiệp hàng không…). Nghiên cứu ban hành các quy trình, thủ tục cần thiết để sớm mở trở lại các đường bay quốc tế, trước hết là với những nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua các điểm du lịch an toàn, khép kín.
Việc hỗ trợ lúc này, theo các chuyên gia, trước mắt nhằm không để hãng trong nước yếu đi so với những hãng hàng không nước ngoài khác đang cùng cạnh tranh. Các hãng hàng không trong nước đang cần nhất là vốn. Vì thế, Chính phủ cần mở rộng gói hỗ trợ tín dụng để các doanh nghiệp, đặc biệt là các hãng hàng không, có thể cải thiện khả năng thanh toán khi dòng tiền còn mất cân đối và đơn giản hóa các thủ tục để có thể giải ngân những gói hỗ trợ này một cách kịp thời. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp hỗ trợ dài hơi, mang tầm chiến lược để khi hết dịch, các hãng trong nước đủ sức cạnh tranh. Trong đó có việc quy hoạch lại cảng hàng không, xã hội hóa đầu tư hạ tầng hàng không, cho phép các tập đoàn tư nhân trong nước tham gia đấu thầu đầu tư nhà ga, sân bay…
PGS, TS Trần Đình Thiên cho rằng, với nền kinh tế mở như Việt Nam, cứu hàng không là cứu nền kinh tế, là tài trợ cho tương lai. Chính phủ cần hành động ngay để cứu hàng không. Đồng thời, cần hỗ trợ hãng có năng lực tốt vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường bay quốc tế.