Nỗi lo thiếu hụt nhân lực trong ngành hàng không

Du lịch phục hồi, sân bay Long Thành tăng tốc, Tân Sơn Nhất xây nhà ga cùng loạt dự án tương lai sẽ khiến nhân lực hàng không càng thiếu thốn, theo chuyên gia.

Kể từ sau dịch, nhân lực hàng không Việt Nam thiếu “trầm trọng”, theo các chuyên gia tham dự hội thảo đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không Việt Nam thời kỳ 2023 – 2030 diễn ra mới đây tại TP HCM.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thái Bình, Trưởng bộ môn Kinh tế hàng không, Học viện Hàng không Việt Nam, ngành này hiện có khoảng 44.000 nhân lực, chia thành 3 lĩnh vực chính gồm: khai thác vận tải, khai thác cảng và đảm bảo hoạt động bay. Nhưng theo bà, nguồn nhân lực này đang thiếu so với nhu cầu của ngành hàng không.

Bà Bình cho rằng, nhu cầu nhân lực sẽ ngày càng tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2023-2030. Vì Việt Nam cần một lượng lớn cung cấp cho sân bay Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài và các sân bay khác, cũng như nhân lực cung cấp cho các doanh nghiệp vận tải hàng không.

Dự kiến đến 2030, Việt Nam có khoảng 30 sân bay và một số sẽ được xây dựng mới từ đầu. Nhà ga thứ ba của sân bay Tân Sơn Nhất đã động thổ từ cuối 2022. Trong khi đó, Chính phủ muốn khởi công nhà ga của sân bay Long Thành trong tháng này.

Ví dụ, tại Vietnam Airlines, mỗi năm hãng cần tuyển bổ sung 100 kỹ sư cho công ty bảo dưỡng máy bay. Khi cơ sở bảo dưỡng ở Long Thành đi vào hoạt động, số kỹ sư cần tuyển có thể gấp đôi hay gấp ba. Nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng nguồn nhân lực thực tế khó đáp ứng, theo các chuyên gia.

Bên cạnh việc mở rộng sân bay, lượng hành khách cũng dần phục hồi. Nửa đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận lượng khách tăng gần 30%, theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 14,4 triệu, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Các hãng hàng không trong và ngoài nước đã thực hiện gần 365.000 chuyến bay, tăng 18%, trong đó hơn 99.200 chuyến bay quốc tế, tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề là với sản lượng khách hiện tại, nhân lực đáp ứng đã rất thiếu. Tiến sĩ Bùi Sông Thu, Viện trưởng, Viện nghiên cứu cho rằng Việt Nam sắp tới càng thiếu nhân lực ở các lĩnh vực như giám sát sân bay, quản trị không lưu, kỹ sư máy bay, bảo dưỡng máy bay và nhất là phi công chuyên nghiệp.

Đồng quan điểm, bà Lương Thị Xuân, Nhà sáng lập Triển lãm Hàng không đầu tiên tại Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Triển lãm Hàng không, nói thiếu hụt không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng, chuyên môn.

“Thực trạng quá tải cơ sở hạ tầng tại các cảng, thiếu hụt nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ kỹ thuật máy bay làm xuất hiện khủng hoảng thiếu và xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt nguồn nhân lực”, bà Xuân cho hay.

Không có con số dự báo chính xác Việt Nam cần bao nhiêu nhân lực hàng không trong thập niên tới, nhưng một báo cáo của IATA phát hành cuối 2019 có thể đưa ra vài gợi ý cho tương lai. Theo đó, năm 2018, Việt Nam có 42.000 nhân lực hàng không, phục vụ vận chuyển cho 46 triệu lượt khách.

Trong kịch bản tăng trưởng đến 2038, IATA dự báo trường hợp tích cực có thể đạt 205,2 triệu lượt khách và mức thấp cũng đến 100,7 triệu. Điều đó có nghĩa đội ngũ nhân lực cũng phải phát triển với tốc độ rất nhanh để phục vụ cho số lượt khách tăng lên từ 2 đến 4 lần trong hai thập niên tới.

Vì sao nhân lực hàng không thiếu? Đầu tiên là quy mô đào tạo. Tính đến năm 2023, “cánh chim đầu đàn” Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo hơn 20 chuyên ngành ở bậc đại học và sau đại học, phủ mọi hoạt động như kỹ thuật, khai thác hàng không, kinh tế vận tải và dịch vụ hàng không.

Năm học 2022 – 2023, Học viện tuyển sinh 2.635 sinh viên các hệ. Trong đó, ngành quản lý hoạt động bay là 119 sinh viên, kỹ thuật hàng không là 106 sinh viên. Đây là những con số rất ít ỏi trong tổng nhu cầu của thị trường. Riêng với phi công, Việt Nam chỉ có Trường Phi công Bay Việt (Viet Flight Training) nhưng với số lượng đào tạo trên dưới 100 phi công mỗi năm. Thời gian qua, một số doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia đào tạo một số chuyên ngành theo hướng chất lượng cao nhưng cũng chưa đáp ứng đủ.

Chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế, một số chuyên ngành không hấp dẫn sinh viên. Trong một hội thảo cuối tháng 5, các chuyên gia chỉ ra rằng quá trình đào tạo dài, công việc áp lực khiến giới trẻ ít chọn, dẫn đến thiếu hụt nhân lực.

Ông Tạ Minh Trọng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay, Cục Hàng không Việt Nam, cho biết nhân sự trong ngành này có thể nhận mức lương từ 15-20 triệu đồng mỗi tháng với trình độ sơ đẳng. Với người có chứng nhận B1, B2 (chứng chỉ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay) và có thể ký xác nhận sau khi hoàn thành công việc bảo dưỡng, mức lương lên đến 50 triệu đồng, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, ông cho hay thời gian học dài, chi phí cao khiến ngành khó tuyển.

Để gỡ “nút thắt” nhân lực, các chuyên gia chỉ ra vài phương án. Học viện Hàng không sẽ tập trung nghiên cứu về ứng dụng trong lĩnh vực đào tạo bảo dưỡng tàu bay và đào tạo về an toàn sân đỗ cho các trang thiết bị đặc chủng. “Cần triển khai những chương trình đào tạo phù hợp với các nhu cầu sắp tới”, Giáo sư – Tiến sĩ Hà Nam Khánh Giao, Phó giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam, nhận định.

Ông Khánh Giao cũng khuyến nghị hướng đến ký kết với những tập đoàn lớn về xây dựng sân bay, các tập đoàn xây dựng ở trong nước, chuyển giao công nghệ đào tạo về xây dựng sân bay. Cùng với đó, Việt Nam cần hợp tác với các trường đại học, viện đào tạo nước ngoài để đưa sinh viên đi học.

Đây cũng là cách được nhiều chuyên gia tán đồng. Ông John Ling, Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng không Canada cho rằng Việt Nam có thể đào tạo thông qua các hệ thống giáo dục chuyên nghiệp và liên kết với các nước trong khu vực và thế giới. “Tôi cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội vì nguồn lực dồi dào, thế hệ trẻ đang vươn lên không ngừng học hỏi. Đó là điểm mạnh”, ông nói.

Bà Lương Thị Xuân cho hay Công ty cổ phần Triển lãm Hàng không Việt Nam đã chuẩn bị công tác mở trường đào tạo và liên kết với 10 nước. Một số cái tên có thể kể đến như: Trường CAC (Canada Aviation College), Trường New Castle (Anh), RMIT (Autralia), Epic Flight (Mỹ).

IATA dự báo vận tải hàng không Việt Nam có thể tăng trưởng 178% trong 20 năm tới nếu tính theo xu hướng trước dịch. Nếu thành hiện thực, ngành có thể tác động hỗ trợ cho quy mô 35 tỷ USD trong nền kinh tế, giúp 2,4 triệu lao động (trực tiếp và gián tiếp) hưởng lợi. “Phát triển nguồn nhân lực cao trong dịch vụ hàng không là tất yếu và rất quan trọng để Việt Nam hội nhập và tăng trưởng cùng với hàng không quốc tế”, ông Andrew Chumney nói.

Call Now