Theo ông Lưu Đức Khánh, CEO Vietjet Air, thời gian IPO dự kiên là năm 2015 – 2016. Đây sẽ là bước ngoặt đối với lộ trình phát triển của hãng.
– Gần 3 năm kể từ khi đi vào hoạt động, Vietjet đã mở rộng đội bay với một tốc độ đáng kinh ngạc, ông có thể cho biết, Vietjet đã bằng cách nào thu hút, thu xếp nguồn vốn từ các thể chế tài chính để phục vụ hoạt động kinh doanh?
– Vietjet đã bắt tay hợp tác với các ngân hàng và thể chế tài chính hàng đầu trong khu vực và thế giới để thu xếp tài chính cho Vietjet. Đây là những cơ hội hợp tác đôi bên cùng có lợi. Vừa qua chúng tôi cũng chính thức lựa chọn Ngân hàng BNP Paribas trở thành đối tác tư vấn và thu xếp tài chính mua tàu bay, bên cạnh đó Vietjet cũng ký thoả thuận hợp tác với các ngân hàng lớn, các định chế tài chính và đang xúc tiến thủ tục với tổ chức xuất khẩu tín dụng ở châu Âu. Vietjet vẫn đang và tiếp tục hợp tác với các thể chế này trong tương lai.
– VietnamAirlines đã IPO và có vẻ rất khả quan, liệu Vietjet có kế hoạch IPO hay không? Thời gian IPO?
Kế hoạch IPO là một bước ngoặt đối mới lộ trình phát triển của Vietjet cũng như mục tiêu hình thành liên minh hàng không đa quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi dự kiến thời gian IPO công ty vào năm 2015-2016.
– Ông có thể cho biết, kế hoạch IPO của Vietjet và Vietnam Airlines có tác động như thế nào tới lợi thế cạnh tranh của mỗi công ty tại thị trường Việt Nam? – Mỗi doanh nghiệp có các định hướng khác nhau và nhận được sự quan tâm khác nhau của giới đầu tư. VietnamAirlines cổ phần hóa là tín hiệu tốt cho 1 thị trường lành mạnh, hoạt động công khai, minh bạch của các doanh nghiệp hàng không, hạn chế độc quyền. Môi trường đầu tư được hình thành và thị trường sẽ vận hành tốt hơn mà người được hưởng lợi là các nhà đầu tư và khách hàng. Vietjet chúng tôi có đường đi và lợi thế riêng của mình, đó là chủ trương cải cách mạnh mẽ của chính phủ trong ngành hàng không; là hãng hàng không tư nhân đầu tiên nên chúng tôi nắm bắt được các cơ hội về thị phần, tăng trưởng, về cơ chế ưu đãi cho hãng hàng không mới. Chúng tôi ứng dụng được ngay từ đầu phương thức quản lý tiên tiến và các công nghệ mới mà không bị ảnh hưởng của các tồn tại cũ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm được của các hãng hàng không khác để chọn dòng máy bay, động cơ, phương thức khai thác máy bay để giảm chi phí, tăng hiệu quả. Thực tế là các chỉ số hoạt động, khai thác của chúng tôi đạt được rất khả quan, thuộc loại tốt nhất trong khu vực. Đây là những cơ hội ở các hãng khác không có mà chúng tôi có thể chia sẻ với các nhà đầu tư. – Ông có thể thông tin thêm về thị trường mục tiêu Vietjet đang nhắm đến? – Hiện Vietjet đã phủ kín tất cả các điểm đến tại Việt Nam với 110 chuyến bay mỗi ngày, Vietjet hiện đang mở rộng mạng bay ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, Vietjet đã mở đường bay đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và sắp tới đây là Campuchia, Trung Quốc, Nga, Nhật… – Vietjet đã chuẩn bị tàu bay ra sao để phục vụ cho kế hoạch mở rộng mạng bay? – Trong kế hoạch phát triển của mình, Vietjet sẽ liên tục nhận tàu bay mới – những chiếc tàu bay Vietjet mua mới hoàn toàn từ Airbus trong gói 100 tàu bay đã ký kết giữa hai bên. Khi sử dụng các máy bay sở hữu của mình thì chi phí sẽ thấp hơn thuê sẽ là một lợi thế của hãng. Ngay trong năm nay, Vietjet sẽ nhận 2-3 máy bay. Các năm sau, mỗi năm Vietjet sẽ nhận từ 6-12 máy bay. Ngoài ra, chúng tôi sẽ thuê thêm số máy bay còn thiếu so với kế hoạch. Hiện Vietjet đang khai thác 18 tàu bay A320. Từ nay đến cuối năm 2014, Vietjet sẽ nhận thêm tàu bay mới từ Airbus, gia tăng số lượng tàu bay lên 20 tàu bay.
Theo Bảo Bình/VTC news