Báo động hành khách “quậy” trên máy bay

Các vụ việc khách gây rối ở sân bay, đánh nhau trên máy bay liên tiếp xảy ra gần đây khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu các chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe?

Đánh nhau, chửi bới “như hàng tôm, hàng cá”

Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, một nam hành khách đi máy bay vừa bị nhà chức trách hàng không lập biên bản xử phạt vì lỗi đánh nhau, gây rối trên máy bay. Sự việc xảy ra trên chuyến bay VN262 từ Sài Gòn đi Hà Nội ngày 11/11. Theo đó, hành khách tên Đ.H.Q. (SN 1967, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) đã bất ngờ đánh vào mặt hành khách tên T.Đ.T. bên cạnh dù trước đó, theo hành khách bị đánh là 2 bên không có cãi vã. Nam hành khách nóng tính kia chỉ hỏi giờ và hỏi sắp bay đến đâu nhưng anh này trả lời không biết.

Hành khách P.A.T., người chứng kiến vụ việc trên cho biết, khi tàu bay cất cánh khoảng 45 phút, nhìn thấy anh Đ.H.Q. đánh vào mặt và đạp nhiều lần vào người anh T.Đ.T. nên vội đứng dậy can thì bị anh này ném chiếc điện thoại đang cầm trên tay vào trán.

Tiếp viên chuyến bay cho biết, thấy hành khách Đ.H.Q. có dấu hiệu kích động nên đã cố gắng thuyết phục khách bình tĩnh trở lại, trở về ghế và cài dây an toàn cho máy bay hạ cánh, đồng thời lập biên bản bàn giao cho lực lượng an ninh hàng không tại sân bay đến là Nội Bài. Hành khách Đ.H.Q. sau đó thừa nhận “nóng giận, mất kiểm soát dẫn đến hành vi trên”.

4

Trước đó, Báo Giao thông cũng đã thông tin về vụ việc đánh nhau giữa hai hành khách P.T.D. và N.T.P. Cụ thể, khi chuyến bay VN7259 từ Hà Nội đi TP.HCM ngày 10/11 đang chuẩn bị cất cánh thì hai nam hành khách này đã cãi vã do tranh giành ghế và đỉnh điểm là hành khách N.T.P. đã đấm vào mặt anh P.T.D. làm anh này bị chảy máu mũi.

Những người đi trên chuyến bay cho biết, cả 2 hành khách này đều rất nóng tính, có những lời lẽ chửi bới thiếu văn hóa, không kiểm soát hành vi của mình, khiến chuyến bay chậm, cả trăm người bị ảnh hưởng. Bác P.Đ.L. – hành khách đi cùng trên chuyến bay thông tin thêm, anh P.T.D. trước khi cãi vã với anh N.T.P. cũng đã chửi bới tiếp viên hàng không khi tiếp viên nhắc khách tắt điện thoại.

Liên quan đến hành vi gây rối của hành khách, mới đây, nhà chức trách hàng không đã quyết định cấm bay 9 tháng với hành khách N.V.S. vì đã có hành vi to tiếng, đe dọa, uy hiếp tiếp viên của chuyến bay VJ282 từ TP.HCM đi Hải Phòng. Một nữ hành khách khác tên L.T.K.N. cũng bị cấm bay tới 12 tháng do đã có hành vi hành hung nhân viên hàng không tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cũng tại Tân Sơn Nhất, nhiều người chưa quên vụ một nam hành khách tên N.T.D. đã mất kiểm soát và có những lời lẽ xúc phạm nặng nề đến nhân viên làm thủ tục hàng không và cả lực lượng an ninh hàng không. Nhiều người khi xem video clip về vụ việc đã bình luận: “An ninh sân bay chưa gô cổ đối tượng này kể cũng lạ. Các hãng bay có quyền từ chối phục vụ các kiểu khách như thế này, thậm chí anh ta có thể vĩnh viễn không được lên máy bay bởi thái độ nguy hiểm như vậy”.

Sửa nghị định theo hướng tăng nặng xử phạt.

Thực tế, các hành vi gây rối liên quan đến khách đi máy bay không riêng có ở Việt Nam mà là thực trạng chung ở nhiều nước. Phía Cục Hàng không VN cho biết, Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) đang rất quan ngại về sự gia tăng các trường hợp khách đi máy bay cố tình gây rối và xu hướng chung hiện nay là cần có những quy định nghiêm minh, đủ sức răn đe hơn để có thể giảm bớt tình trạng trên.

Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết, có một số vụ việc hành khách đánh nhau, gây rối tại sân bay, thậm chí cả trên máy bay khi tàu bay đang bay hoặc chuẩn bị cất cánh.

“Ngoại trừ các trường hợp hành khách có ý thức kém, ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng, công bằng mà nói, nhiều trường hợp là do hành khách chưa tìm hiểu, chưa rõ các quy định về an ninh, an toàn vốn rất chặt chẽ của ngành Hàng không và cho rằng, nhân viên hàng không làm khó mình. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, các hành vi gây rối, chửi bới, đánh nhau tại sân bay, trên tàu bay là sai, ảnh hưởng đến nhiều người khác, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hãng hàng không sân bay”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng, trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến các vụ việc thêm căng thẳng do nhân viên hàng không xử lý chưa thật khéo léo, chuẩn mực cho dù bản chất lỗi là ở phía hành khách. Về chế tài xử phạt, ông Thắng cho biết, nhà chức trách hàng không đã và đang xử phạt rất nghiêm đối với các hành vi gây rối. Hình thức cấm bay vốn được cho là nặng nhất trong lĩnh vực hàng không cũng đã được áp dụng. Thậm chí, có thể đề nghị xử lý hình sự với các trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng.

“Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không cũng đang được các cơ quan chức năng sửa đổi theo hướng bổ sung hành vi, điều chỉnh mức độ, đảm bảo đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm”, ông Thắng cho hay.

Cùng đó, người đứng đầu Cục Hàng không VN cũng cho rằng, cần tăng cường tuyên truyền các quy định khi đi máy bay với hành khách cũng như chuẩn mực hóa cách ứng xử của nhân viên hàng không.

Call Now