Ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào cảng hàng không chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Với việc cơ chế thuận lợi, để thu hút nhà đầu tư, nhà nước cần có hỗ trợ nhất định cho các dự án cảng hàng không.
Trao đổi tại Hội thảo “Phát triển Hàng không – Chắp cánh du lịch Việt Nam” do BizLIVE tổ chức ngày 26/7, ông Đỗ Đức Tú, Vụ Kết cấu hạ tầng đô thị (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chúng ta cần đến 65% đến 70% vốn đầu tư tư nhân để phát triển cảng hàng không.
Theo ông Tú, hiện nay, Chính phủ, các bộ rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư phát triển cảng hàng không, sân bay, ví dụ như Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sân bay Phan Thiết, nhà ga quốc tế Đà Nẵng, nhà ga quốc tế Cam Ranh… đang nhận được vốn đầu tư tư nhân.

“Sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân vào cảng hàng không chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ. Chúng ta chưa cần thiết có Luật đầu tư PPP có thể chỉ là tính pháp lý cao nhưng đã thuận lợi rồi. Theo Nghị định 92/2016, cho phép nhà đầu tư tư nhân được phép đầu tư 100% vốn, trước đây Nghị định 102 nhà nước phải đầu tư từ 65% vốn trở lên, nhưng giờ các nhà đầu tư tư nhân có thể đầu tư 100% vốn ví như cảng hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh”, ông Tú nói.
Cũng theo ông Tú, cơ chế đã rất thuận lợi, để thu hút các nhà đầu tư đầu tư nhà nước cần có hoạt động xúc tiến đầu tư, đưa ra các dự án tiềm năng cho nhà đầu tư mời gọi để họ nắm được và nghiên cứu đầu tư.
Thứ hai, Nhà nước cần có hỗ trợ nhất định cho các dự án cảng hàng không, như dự án cảng hàng không Vân Đồn làm sao phải khả thi về mặt tài chính, để nhà đầu tư đầu tư thu hồi vốn và có lãi, Quảng Ninh đã hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Theo ông Tú, sự hỗ trợ còn tùy thuộc vào từng dự án, từng địa bàn. Chẳng hạn, với địa bàn như Quảng Ninh, chỉ cần hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhà đầu tư đã chấp nhận nhưng những địa phương có tiềm năng kém hơn, ví như ở Quảng Bình, mức hỗ trợ có thể sẽ còn cao hơn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần phải được hỗ trợ về chuyên ngành hàng không, cần đến sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam. Nhà nước đồng thời cần phải vào cuộc, khi đã chấp thuận cho nhà đầu tư chủ trương đầu tư phải có thủ tục hành chính rõ ràng để dự án nhanh chóng được triển khai.
Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước đó cho biết, bàn luận về xã hội hoá không chỉ đơn giản là thu hút nguồn lực bên ngoài, kèm theo đó là một loại thay đổi liên quan đến thể chế, cơ chế.
Cũng trong xã hội hóa, mô hình và cách thức tiếp cận như vậy về phía nhà nước thì vấn đề là thu hút nguồn lực và cách phân phối nguồn lực đó như thế nào cho hiệu quả để tạo điều kiện, cơ hội. Nghị quyết đề cập cần trọng tâm, trọng điểm, mục đích tạo ra một thị trường đầu tư sinh lời, hiệu quả mới thu hút khu vực tư đầu tư hạ tầng. Doanh nghiệp và nhà đầu tư mục cuối cùng là tìm kiếm lợi nhuận, hiệu quả. “Như vậy, trong chính sách phải làm thế nào để hài hoà lợi ích của nhà đầu tư, cộng đồng và quốc gia”, ông Vịnh nói.