CEO Thiên Minh Group: ‘Việt Nam phải cần 10 hãng hàng không’

Ông Trần Trọng Kiên cho biết Việt Nam mới có 2 hãng bay giá rẻ nhưng nhu cầu thật sự là 10 hãng.

Theo ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh, đơn vị chuẩn bị bắt tay đưa Air Asia về Việt Nam, cả nước có những sân bay thừa năng lực, như Nội Bài đang thừa 10 triệu khách mỗi năm. Các sân bay khác như Đà Nẵng hay Nha Trang sắp tới cũng thừa.

Do đó, về ý kiến cho rằng muốn phát triển ngành du lịch thì cần để ý đến hạ tầng vận chuyển, trong đó có hàng không, ông Kiên nói hạ tầng không phải vấn đề chung, chỉ là riêng của sân bay Tân Sơn Nhất.

Về mức độ cạnh tranh, CEO Tập đoàn Thiên Minh bày tỏ rằng hiện khá thấp.

“Việt Nam chỉ có 2 hãng hàng không giá rẻ, là Vietjet Air và Jetstar Pacific, trong khi nhu cầu của người Việt Nam thì tôi cho phải cần 10 hãng”, ông Kiên chia sẻ.

“Hàng không là ngành quan trọng, vì nó liên quan đến an toàn, an ninh. Việc kiểm định là cần thiết, cũng là để đảm bảo hãng nào được cấp phép sẽ hoạt động bền vững, lâu dài”, CEO này khẳng định.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân, ông Trần Trọng Kiên thay mặt nhóm doanh nghiệp du lịch kiến nghị một số vấn đề nhằm phát triển ngành. Các kiến nghị này bao gồm lập quỹ quảng bá quốc gia, thành lập hội đồng xúc tiến du lịch quốc gia, có chính sách visa thông thoáng hơn tăng 15 bước từ 15 ngày lên 30 ngày…

CEO Thien Minh Group: ‘Viet Nam phai can 10 hang hang khong’ hinh anh 3

Thị phần hàng không Việt phần lớn nằm trong tay Vietnam Airlines và Vietjet Air. Đồ họa: Châu Châu.

Theo ông Kiên, tất cả kiến nghị nói trên đều quan trọng và có thể sử dụng được ngay, cho kết quả sau 7-12 tháng. Đặc biệt, những kiến nghị này không làm ảnh hưởng đến các chính sách của Chính phủ và hợp với xu hướng hiện tại.

Ông cũng chia sẻ phần trả lời của Chính phủ rất tốt, cho thấy được sự lắng nghe, cầu thị cũng như có hành động cụ thể.

Ông rất hy vọng sau phần trả lời của Thủ tướng cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các hành động cụ thể sẽ được triển khai sớm trong năm 2017, để ngành du lịch có diễn biến tích cực trong năm tới.

Chia sẻ về thông tin Air Asia vào Việt Nam nhiều lần nhưng không thành công, ông Kiên cho rằng nguyên nhân đến từ thời điểm, đối tác của Air Asia những lần trước đó không phù hợp: “Tôi tin điều quan trọng là lần này họ đã nghiên cứu thị trường cẩn thận, có cam kết cao từ hai phía, cả Air Asia và Thiên Minh”.

Theo lãnh đạo này, khi có cạnh tranh, các hãng buộc phải tăng chất lượng dịch vụ cũng như tính hiệu quả. “Chỉ có cạnh tranh mới giúp ngành hàng không phát triển, và chỉ cạnh tranh mới có thể cho phép người dân hưởng lợi tốt hơn trong tương lai”, CEO Thiên Minh nói thêm.

Trước một số băn khoăn cho rằng việc cấp phép hàng không ở Việt Nam hiện nay còn khó khăn, nhiều thủ tục, ông Kiên nói điều này không khó hiểu.

Theo thông tin từ Bộ kế hoạch và đầu tư, đầu tháng 4, Air Asia đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh với Thiên Minh Group để lần thứ 4 thử sức với thị trường Việt Nam.

Trước đó, vào các năm 2005, 2007 và 2010, Air Asia từng có động thái liên doanh với các đối tác khác nhau, nhằm đặt chân vào thị trường Việt Nam nhưng thất bại. Các đối tác mà hãng hàng không giá rẻ của Malaysia từng bắt tay là Pacific Airlines, Vinashin và Vietjet Air.

Dự kiến liên doanh giữa Thiên Minh và Air Asia sẽ cất cánh đầu năm 2018.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now