Mục tiêu quan trọng hàng đầu của Vietnam Airlines lúc này là tận dụng mọi cơ hội để sớm phục hồi, tái phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và ổn định thu nhập cho người lao động.
Hôm nay (10/8), Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTPCP (Vietnam Airlines, MVK: HVN) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Việc liên tục phải lùi ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên sang đến tận giữa quý III/2020 là để Vietnam Airines để giành dồn lực duy trì các hoạt động bay, trong đó có việc thực hiện vai trò của hãng hàng không quốc gia thông qua hàng loạt chuyến bay xuyên lục địa vào các vùng tâm dịch để giải cứu công dân Việt Nam… Tuy nhiên, điều này cũng phần nào giúp HĐQT, Ban điều hành của Vietnam Airlines hoạch định chính xác hơn “đường bay” của hãng trong những tháng cuối năm 2020.
Thiệt hại nặng vì Covid -19
Tại thời điểm này, các cổ đông của Vietnam Airlines quan tâm nhất không phải là kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 mà là kế hoạch trụ vững, tiến tới phục hồi, tái phát triển của hãng hàng không quốc gia.
“Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh và cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng những khó khăn và thuận lợi, cơ hội và thách thức, đặc biệt trước bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2020 theo định hướng từng bước phục hồi hậu quả sau dịch Covid-19 và tái phát triển ổn định, bền vững”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết.
Trong số các nội dung dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua, đáng chú ý nhất là kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Vietnam Airlines trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả trong nước và quốc tế.
Theo đó, Vietnam Airlines cho biết là vẫn sẽ tạm dừng khai thác các đường bay đi Châu Âu và Úc trong cả năm 2020; bắt đầu khai thác trở lại các đường bay trong khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ tháng 10 với tần suất hạn chế từ 3 – 5 chuyến/tuần và bắt đầu khai thác ổn định từ tháng 12. Tại thị trường nội địa, Vietnam Airlines sẽ điều tiết hợp lý mức tải cung ứng và giá bán nhằm bảo đảm hiệu quả khai thác tổng mạng và tiến hành khai thác 13 đường bay mới từ Hải Phòng, Vinh, Cần Thơ nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Mặc dầu vậy, trong năm 2020, sản lượng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines cũng chỉ đạt 14,5 triệu lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 2 triệu lượt, khách quốc nội đạt 12,3 triệu lượt. Sự sụt giảm này chủ yếu là do tác động của dịch Covid – 19 làm giảm nhu cầu đi lại của người dân, ảnh hưởng lớn đến doanh thu vận tải hàng không.
Với kết quả kinh doanh nói trên, Vietnam Airlines dự kiến đạt doanh thu hợp nhất năm 2020 là 40.586 tỷ đồng, bằng 40,5% so với kết quả năm 2019, trong đó Công ty mẹ đạt 32.535 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất là – 15.117 tỷ đồng, trong đó Công ty mẹ lỗ 14.487 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này chưa bao gồm doanh thu – chi phí của hoạt động bán 2 tàu Airbus 321 giao tháng 6 không thành công và 6 tàu Airbus 321 dự kiến bán cuối năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Trước đó, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietnam Airlines lần lượt đạt 17.402 tỷ đồng và – 9.166 tỷ đồng.
Theo ban điều hành Vietnam Airlines, dù Tổng công ty đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nhưng Công ty mẹ vẫn lỗ 14.487 tỷ đồng, giảm lợi nhuận 17.386 tỷ đồng so với cuối kỳ, dẫn đến làm biến dạng nhiều chỉ tiêu tài chính.
Nếu kết quả kinh doanh diễn biến đúng như dự báo, đến cuối năm 2020, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (không bao gồm thu bán) của Vietnam Airlines là 14,76 lần so với 2,71 lần cuối kỳ năm 2019; hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 16,63 lần so với 2,71 lần cuối kỳ năm 2019.
Đáng lưu ý là dư tiền cuối kỳ năm 2020 là 397 tỷ đồng, với điều kiện Vietnam Airlines tiếp cận được khoản hỗ trợ trị giá 12.000 tỷ đồng của cổ đông Nhà nước thời hạn 3 năm và Tổng công ty chưa thực hiện các giải pháp tăng vốn chủ sở hữu trong năm 2020.
Không chỉ Công ty mẹ gặp khó, hoạt động của các Công ty có vốn góp của Tổng công ty cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi đại dịch Covid-19; đặc biệt là hai hãng hàng không Jestar Pacific (JPA), Cambodia Angkor Air (K6); JPA rơi vào trạng thái khủng hoảng toàn diện, ảnh hưởng tới khả năng hoạt động liên tục cần thiết phải thực hiện các biện pháp tái cơ cấu khẩn cấp. Khả năng duy trì hoạt động bình thường của K6 cũng đã tới hạn.
Trên thực tế, dịch Covid 19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu đi lại bằng đường hàng không trên toàn thế giới. IATA (Hiệp hội các hãng không thế giới) dự tính năm 2020 lượng khách luân chuyển trên toàn thế giới giảm 54,7% so năm 2019, doanh thu mất 419 tỷ USD và các hãng hàng không lỗ trên 84 tỷ USD (trong khi mức lãi cả năm 2019 chỉ ước đạt 25,9 tỷ USD).
Với kết quả như trên, dự tính 11,2 triệu lao động trong ngành hàng không và du lịch toàn thế giới có khả năng thất nghiệp. IATA đang kêu gọi Chính phủ các nước có một gói giải pháp tổng thể bao gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp; cho vay hoặc bảo lãnh cho vay; giảm thuế, phi. Tổ chức APEX cũng nhận định các hãng hàng không trên thế giới cần một gói hỗ trợ tài chính dưới nhiều hình thức ước tính 250 tỷ USD để có thể tổn tại và vượt qua khủng hoảng. Đây là bức tranh hoàn toàn khác biệt so với dự báo tốt đẹp vào cuối năm 2019 của các tổ chức hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.
Thắt lưng buộc bụng
Cần phải nói thêm rằng, dịch Covid -19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines ít nhất là trong vòng 3 – 4 năm tới. Trên thực tế, so với nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã phải tuyên bố phá sản, Vietnam Airlines tuy lỗ nặng, nhưng vẫn trụ được vì trước dịch nhờ có tiềm lực tài chính lành mạnh. Tại thời điểm đầu năm 2020, hãng đang có 4.000 tỷ đồng tiền mặt trong tài khoản nhờ kết quả kinh doanh năm 2019 ấn tượng với khoản lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 3.389 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp – đơn vị đang giữ vai trò cổ đông chi phối, Vietnam Airlines phải đối mặt với thách thức lớn chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trên thế giới đã có những hãng hàng không phải tuyên bố phá sản; nhiều hãng đã thực hiện các biện pháp mạnh như sa thải nhân viên để cắt giảm chi phí.
“Trước bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã nỗ lực, chủ động đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu thiệt hại, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội dù là nhỏ nhất để không phải thực hiện những kịch bản đáng tiếc trên, dù Vietnam Airlines là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất trong số các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban quản lý”, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.
Được biết, trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến khó lường cả trong nước và quốc tế, để đạt được mục tiêu tồn tại, tiến tới sớm phục hồi, tái phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines sẽ phải tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện thành công nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hãng hàng không quốc gia, đồng thời duy trì chính sách “thắt lưng buộc bụng” đi liền với quá trình tái cơ cấu, năng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Ngay trong nửa cuối năm 2020, Vietnam Airlines đã lên kế hoạch bán 6 tàu A321CEO sản xuất 2007 đã có trong Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của Tổng công ty đã được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước. Ngoài 6 tàu bay dự kiến bán theo kế hoạch, Tổng công ty dự kiến đẩy sớm chương trình bán 3 tàu A321CEO sản xuất 2008 lên 2020-2021 (kế hoạch bán ban đầu là 2023-2024). Đồng thời dự phòng phương án SLB cho 3 tàu này nếu có hiệu quả tài chính hơn so với phương án bán.
“Việc cơ cấu lại tài sản nói trên để vừa giải phóng một phần nguồn lực dư thừa do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh Covid-19 vừa có thêm dòng tiền và thu nhập. Việc bán các tàu bay có tuổi thọ hơn 12-13 năm tuổi là phù hợp với định hướng đổi mới đội tàu bay của Tổng công ty với mục tiêu, nâng cấp chất lượng dịch vụ, giảm chi phí khai thác bằng việc đưa các tàu bay công nghệ mới có nhiều ưu điểm vượt trội vào khai thác”, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết.
Để tập trung mọi nguồn lực cho giai đoạn phục hồi, Vietnam Airlines đã đề xuất các cổ đông phương án không chi trả cổ tức và để lại lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ nhằm đảm bảo ổn định nguồn vốn kinh doanh, giảm bớt gánh nặng về vốn lưu động, số lợi nhuận còn lại để tạo dòng tiền và đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty trong thời kỳ tiếp theo.
Trước đó, cùng với việc cắt giảm triệt để các chi phí sản xuất, chấp nhận giảm lương của người lao động, ngay khi Covid-19 mới bùng phát tại Trung Quốc, Hãng đã sớm chủ động đàm phán với các đơn vị cho thuê tàu bay, các định chế tài chính trong và ngoài nước, qua đó đạt được những thỏa thuận rất tích cực. Cụ thể, Tổng công ty đã chủ động rà soát cắt giảm 4.346 tỷ đồng, trong đó, chi phí nhân công là 1.360 tỷ đồng (chủ yếu là tiền lương). Ngoài các nội dung rà soát cắt giảm chi phí, Hãng cũng đã đàm phán với các nhà cung cấp và đạt được mức giảm giá là 617 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là giảm giá thuê tàu bay 530 tỷ đồng.
Đối với các khoản thuê tàu bay – một trong những khoản chi phí cố định nặng nhất, tính đến giữa tháng 6/2020, tổng số tiền giãn thanh toán được 81 triệu USD, trong đó 51 triệu USD không chịu lãi suất và 30 triệu USD chỉ phải chịu lãi với mức ưu đãi.
“Mặc dù Vietnam Airlines đã và đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, mang tính đột phá để đảm bảo dòng tiền duy trì hoạt động nhưng khả năng hoạt động liên tục của hãng vẫn sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ (với tư cách là Cổ đông Nhà nước chiếm cổ phần chi phối 86,19%) và việc gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng”, một chuyên gia nhận định.