Hãng hàng không Bangladesh và sân bay Nepal đổ lỗi cho nhau về vụ máy bay trượt đường băng, bốc cháy, làm ít nhất 49 người chết.
Imran Asif, giám đốc điều hành hãng US-Bangla Airlines, cáo buộc kiểm soát không lưu ở Kathmandu, Nepal phát sai tín hiệu, cho rằng đây có thể là nguyên nhân vụ va chạm. “Một cuộc đối thoại dài ba phút giữa phi công và kiểm soát không lưu trước khi hạ cánh cho thấy họ đã gửi sai tín hiệu cho phi công”, Reuters dẫn lời ông nói với các phóng viên tại Dhaka, Bangladesh.
“Phi công của chúng tôi là người hướng dẫn lái máy bay Bombardier này. Giờ bay của ông là hơn 5.000 giờ.Có một sự vụng về từ tháp kiểm soát không lưu”, AFP dẫn lời ông nói thêm.
Tuy nhiên Raj Kumar Chettri, tổng giám đốc sân bay, cho rằng phi công phớt lờ thông điệp của kiểm soát không lưu, tới đường băng sai hướng.
Chettri cho rằng không lâu sau khi máy bay được phép hạ cánh, phi công nói ông muốn vào từ hướng bắc. Khi được đài kiểm soát không lưu hỏi liệu có vấn đề gì không, ông phủ nhận. Máy bay sau đó bay vòng hai lần theo hướng đông bắc, Chettri nói. Các kiểm soát viên không lưu một lần nữa hỏi phi công liệu mọi chuyện ổn hay không, ông đáp: “Có”.
Đài kiểm soát sau đó nói phi công hướng bay về đường băng không đúng, nhưng không có lời đáp. “Máy bay đáng lẽ cần đến từ phía bên phải”, Chettri nói, thêm rằng nó đâm vào hàng rào sân bay, va chạm mặt đất và bốc cháy. Hiện chưa rõ phi công có phát tín hiệu khẩn cấp hay không.
40 thi thể được thu thập tại hiện trường, 9 người chết tại bệnh viện và 22 người sống sót được điều trị tại bệnh viện sau khi thảm hoạ xảy ra chiều 12/3, phát ngôn viên cảnh sát Nepal Manoj Neupane cho hay. Hành khách chủ yếu là người Nepal và Bangladesh, có một người từ mỗi nước Trung Quốc và Maldives. Chuyến bay cất cánh từ Dhaka, Bangladesh và 4 thành viên tổ bay đều là người nước này. Đây là thảm hoạ hàng không nghiêm trọng nhất Nepal trong gần ba thập kỷ.