Indonesia: Tạm cấm vận chuyển hành khách bằng hàng không và đường biển

Để ngăn dịch, lệnh cấm vận chuyển nội địa sẽ kéo dài đến 1/6 với đường bay và 8/6 với đường, trong diễn biến liên quan, chi tiêu hộ gia đình của Indonesia dự báo sẽ giảm tốc do nhiều người mất việc.

Theo phóng viên tại Jakarta, ngày 23/4, giới chức Bộ Giao thông Indonesia đã đưa ra thông báo nước này sẽ tạm cấm các chuyến bay nội địa và vận chuyển hành khách bằng đường biển.

Theo đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan tại đất nước vạn đảo, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, lệnh cấm các chuyến bay nội địa sẽ có hiệu lực đến ngày 1/6 và lệnh cấm vận tải đường biển sẽ kéo dài đến ngày 8/6 tới.

Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa.

Cùng ngày, giới chuyên gia dự báo chi tiêu hộ gia đình – vốn chiếm tới 57,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia – sẽ giảm tốc trong năm nay, trong bối cảnh nhiều người mất việc làm do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Các chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions – một bộ phận của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch – cho rằng tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình của Indonesia sẽ chỉ đạt 1,2% trong năm nay so với mức 5% vào năm ngoái.

Chính phủ Indonesia ước tính rằng khoảng 2,9-5,2 triệu lao động ở nước này có thể sẽ mất việc làm, trong khi khoảng 1,1-3,78 triệu người có thể rơi vào tình trạng nghèo đói.

Theo Fitch, các biện pháp phong tỏa đang được Chính phủ Indonesia thực thi sẽ làm gián đoạn chi tiêu, song sẽ không dẫn đến tình trạng ngừng ngay lập tức.

Người dân Indonesia sẽ tăng cường mua thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu khác trước tháng lễ Ramadan và kỳ nghỉ Idul Fitri sẽ bắt đầu trong tuần này và kéo dài cho đến cuối tháng Năm tới.

Trước đó, Fitch đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia trong năm nay từ mức 4,2% xuống còn 2,8%, do chi tiêu và đầu tư dự kiến tăng trưởng sẽ chậm lại.

Trong khi đó, Chính phủ Indonesia dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,3% trong năm nay, mức thấp nhất trong vòng 21 năm qua, thậm chí là -0,4% theo kịch bản tồi tệ nhất.

Chính phủ Indonesia mới đây công bố dành 436.100 tỷ rupiah (tương đương 2,5% GDP) cho các gói kích thích nhằm ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19, trong đó chủ yếu dành cho chăm sóc y tế, mạng lưới an sinh xã hội và phục hồi kinh doanh.

Các nhà nghiên cứu của Fitch cho rằng bất chấp các động thái mạnh mẽ nhằm kích thích kinh tế của Chính phủ và ngân hàng trung ương Indonesia, các nỗ lực này sẽ không đủ để bù đắp cho những “tác động tàn phá” mà đại dịch COVID-19 gây ra cho lĩnh vực việc làm và sức khỏe cộng đồng.

Theo Bộ Y tế Indonesia, nước này đã ghi nhận thêm 357 ca mắc và 11 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 7.775 ca với 647 ca tử vong. Số bệnh nhân được chữa khỏi bệnh là 960 người./.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now