Việc sửa chữa, nâng cấp ở sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài sẽ khiến các hãng phải cắt giảm chuyến bay, làm dấy lên lo ngại sẽ tăng tình trạng chậm, hủy chuyến thời gian tới.
Không những thế, việc quá tải ở sân bay đang khiến hãng hàng không thiệt hại hàng trăm tỉ đồng, gián tiếp gây áp lực lên giá vé.
Tác động không nhỏ tới hành khách
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài vừa cho biết sẽ tiến hành nâng cấp, sửa chữa nhà ga quốc nội T1 trong khoảng tám tháng, bắt đầu từ đầu tháng 7-2017 đến tháng 3-2018.
Mục đích nhằm nâng cao chất lượng và nâng công suất khai thác của nhà ga T1 từ 9 lên 15 triệu hành khách/năm.
Dự kiến việc sửa chữa này sẽ tác động không nhỏ tới hành khách vì nhà ga T1 sẽ được thi công tổng thể từ tầng hầm lên đến tầng mái, được phân chia thành tám giai đoạn để vừa thi công vừa phục vụ khách.
Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đang bước vào giai đoạn 2 dự án mở rộng nhà ga hành khách quốc tế và cải tạo nâng cấp đường băng cất, hạ cánh 25R/07L và các đường lăn nối.
Trong thời gian thi công sẽ phải đóng cửa đường băng cất, hạ cánh 25R/07L. Máy bay sẽ chỉ vận hành trên đường băng 25L/07R kết hợp với hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối được xây dựng trong giai đoạn 1 và các đường lăn hiện hữu tại Tân Sơn Nhất.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết cụ thể hơn, sắp tới Tân Sơn Nhất sửa đường băng cất, hạ cánh 25R/07L nên đóng cửa từ 1h-8h sáng hằng ngày, dự kiến bắt đầu từ ngày 23-7. Việc sửa chữa này có nghĩa là chuyến bay trước 8h sáng có thể sẽ điều chỉnh.
Đại diện Jetstar Pacific cho biết hãng đã phải có kế hoạch chủ động điều phối đội bay, lịch bay để không ảnh hưởng đến các chuyến bay hiện tại.
Trong khi đó, theo ông Lê Mạnh Hùng – tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), doanh nghiệp này vừa đề xuất triển khai bốn dự án tại khu bay gồm dự án mở rộng sân đỗ máy bay khu 21ha đất quân sự bàn giao tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; dự án mở rộng sân đỗ máy bay phía bắc; dự án cải tạo, nâng cấp sân, đường tại khu bay.
Nếu được chấp thuận, dự án sân đỗ máy bay 21ha sẽ được khởi công ngay tháng 9-2017 và hoàn thành trong tháng 6-2018. Đối với dự án cải tạo, nâng cao năng lực khai thác hệ thống sân, đường khu bay, thời gian thi công dự kiến 16 tháng…
Lo tăng chi phí
Sự quá tải tại các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc… khiến các hãng bay đang “đau đầu” trong việc điều hành kinh doanh và sắp xếp lịch bay. Đại diện Vietnam Airlines cho biết năm 2016 sự quá tải tại các sân bay, đặc biệt tại sân bay Tân Sơn Nhất, đã làm tăng giờ bay thực tế của hãng này do phải bay chờ lên khoảng 1.392 giờ so với kế hoạch, đẩy chi phí khai thác tăng thêm khoảng 188 tỉ đồng.
Đại diện Vietjet Air cho biết chưa có thống kê cụ thể chi phí “đội” lên do quá tải sân bay nhưng rõ ràng tình trạng này đã khiến tăng thời gian làm thủ tục của hành khách, tăng tỉ lệ chậm chuyến.
Và mọi sự chậm trễ trong việc nâng cao năng lực khai thác ở các sân bay có thể ảnh hưởng đến khả năng tối đa hóa hiệu suất sử dụng máy bay, ảnh hưởng đến kết quả tài chính của hãng.
Phải đảm bảo quyền lợi cho khách
Ông Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không – cho rằng việc quá tải sân bay khiến máy bay phải bay chờ để hạ cánh sẽ không an toàn và gây tốn kém rất lớn.
Ông Tống lo ngại việc quá tải sẽ ảnh hưởng chi phí của các hãng hàng không, có thể làm tăng giá vé bởi các chi phí cuối cùng đều sẽ phải đưa vào giá thành để tính ra giá bán.
Về giải pháp trước mắt, ông Nguyễn Đức Hùng – giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài – cho biết Cục Hàng không đã thống nhất cho bốn tàu bay được đỗ ngay ở một phần đường lăn trong sân bay Nội Bài.
“Việc cho máy bay đỗ qua đêm trên đường lăn không ảnh hưởng đến an toàn bay. Đoạn đường lăn đó không ảnh hưởng đến việc khai thác các chuyến bay khác ngày hôm sau” – ông Hùng nói và cho biết Nội Bài đã xuất hiện dấu hiệu quá tải ở khu bay.
Về thi công nhà ga T1 tại sân bay Nội Bài, Cục Hàng không cho biết để duy trì sự thông suốt, việc thi công phải theo từng giai đoạn, đưa vào khai thác giai đoạn này mới được phép thi công giai đoạn sau.
Cục Hàng không cũng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, duy trì các điều kiện đảm bảo an toàn bay trong quá trình thi công, đồng thời sẽ xúc tiến thi công 24/24 giờ, hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không Nguyễn Thiện Tống cho rằng với việc sửa chữa nâng cấp, cảng hàng không và hãng cần tính toán kỹ, nếu cần phải ngồi lại, cùng tính toán “thời khóa biểu” để điều chỉnh lại lịch bay của các hãng cho sát thực nhất.
Bởi nếu sân bay không đảm bảo tần suất như hãng mong muốn, phải khống chế số chuyến bay/ngày để giảm hủy, trễ chuyến, gây mệt mỏi cho hành khách trong thời gian tới.
Cao điểm hè, giá vé máy bay tăng mạnh
Giá vé máy bay dịp cao điểm hè đã tăng mạnh. Ngày 9-7, tìm mua vé cho ngày 25-7 tuyến Hà Nội – TP.HCM, dù thời điểm mua cách khoảng hai tuần so với ngày bay nhưng vé của Vietnam Airlines thấp nhất cũng từ 1,6 triệu đồng/vé một chiều, trong khi nhiều thời điểm trước đây, giá có thể chỉ ở mức 800.000 đồng/vé (chưa tính thuế, phụ thu).
Đại diện các hãng hàng không cho biết giá vé máy bay hiện được thực hiện theo nguyên tắc giá rẻ bán trước, giá cao bán sau.
Trên các đường bay dịp hè đi lại đông, giá vé sẽ tăng lên theo nguyên tắc này. Dù giá vé có tăng nhưng các hãng khẳng định không vượt mức trần quy định của Nhà nước.