Thực tế thời gian qua mặc dù các hãng hãng hàng không nội có đủ nguồn lực để phát triển thêm đội tàu bay, nhưng hạ tầng tại các cảng hàng không lại không đủ để đáp ứng, thiếu chỗ đỗ qua đêm tại một số cảng hàng không lớn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi xin giấy phép bay. Do đó việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông đường không sẽ được chú trọng phát triển hơn trong thời gian tới.
Theo quy hoạch tổng thể của Cục Hàng không Việt Nam, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển đưa vào khai thác mạng lưới cảng hàng không gồm 10 cảng hàng không quốc tế và 16 cảng hàng không nội địa, do đó việc nhiều doanh nghiệp đang muốn đi trước đón đầu.
Trong một thị trường mà ngày càng nhiều doanh nghiệp lao vào thì áp lực cạnh tranh tăng lên là điều tất yếu, mặc dù các phân khúc nhắm đến có thể khác nhau.
Cụ thể, nếu như mục tiêu của Vietnam Airlines là toàn bộ thị trường thì các hãng hàng không như Vietjet, Jetstar hoặc hãng sắp thành lập như Air Asia nhắm đến phân khúc giá rẻ, trong khi hãng đang xin giấy phép là Tre Việt dường như mục tiêu đang muốn khép kín chuỗi hoạt động kinh doanh của mình khi có định hướng khai thác các chuyến bay đến các địa phương mà có các khu du lịch do tập đoàn mẹ FLC đang sở hữu.
Cần lưu ý rằng các hãng hàng không quốc tế cũng đang muốn khai thác sâu hơn vào thị trường Việt Nam, do đó các đường bay quốc tế mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Năm 2016 đã chứng kiến sự bùng nổ mở thêm đường bay quốc tế của các hãng hàng không trong nước lẫn quốc tế. Hiện nay, có hơn 52 hãng hàng không nước ngoài thuộc 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khai thác 78 đường bay đi và đến Việt Nam.
Theo báo cáo của IATA về ngành hàng không trong giai đoạn từ 2013 – 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới, do đó ngày càng thu hút các hãng hàng không quốc tế nhảy vào. Thực tế cho thấy tỷ lệ khai thác của các hãng này cũng luôn đạt được ở mức cao, do đó càng gây áp lực lên hạ tầng.
Một thách thức lớn nữa là nguồn nhân lực ngành hàng không còn nhiều hạn chế, do đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của ngành này. Thực tế thời gian qua cũng đã xảy ra tình trạng các hãng hàng không nội địa lôi kéo nhân sự của nhau, đặc biệt là các vị trí quan trọng như phi công, cơ trưởng.
Ngoài ra, nếu hệ thống đường sắt cao tốc được quy hoạch phát triển trong thời gian tới với giá cả hợp lý cũng có thể gây áp lực lên ngành hàng không, nhất là khi những rủi ro tai nạn hàng không gần đây đã xảy ra với tần suất ngày càng cao hơn.
Thực tế cho thấy tại một số vùng ở châu Âu – nơi có các chuyến tàu cao tốc đi qua đã hoàn toàn đánh bại đường không, vì thế hoàn toàn không còn các đường bay nữa. China Southern Airlines – hãng hàng không lớn nhất của Trung Quốc dự đoán việc xây dựng mạng lưới đường sắt cao tốc của nước này sẽ ảnh hưởng tới 25% mạng lưới điểm đến của họ trong những năm tới.