Nói hàng không giá rẻ sẽ thua lỗ, nhưng chính Vietnam Airlines vừa bất ngờ báo lỗ trong quý 2/2017

Vietnam Airlines công bố lợi nhuận quý 1 là 854 tỷ đồng nhưng lợi nhuận 6 tháng chỉ 830 tỷ đồng. Như vậy, hãng hàng không này đã lỗ 24 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua.

Theo thông tin mới được Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành công bố, trong 6 tháng đầu năm 2017, Vietnam Airlines đã thực hiện 70.400 chuyến bay, sản lượng hành khách đạt 9,95 triệu lượt khách, vận chuyển trên 150 nghìn tấn hàng hóa.

“Tổng doanh thu và thu nhập Hợp nhất Tổng công ty ước đạt 42.758 tỷ đồng, đạt 48,44 % KH năm, trong đó tổng doanh thu và thu nhập của Tổng công ty (Công ty mẹ) ước đạt 31.545 tỷ đồng, đạt 47,17% KH năm.

Lợi nhuận trước thuế Hợp nhất ước đạt 830 tỷ đồng, bằng 50,7% KH năm, trong đó lợi nhuận trước thuế Tổng công ty ước đạt 550 tỷ đồng, xấp xỉ 44% KH năm”, ông Thành cho biết thêm.

Trước đó, Vietnam Airlines đã công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 1 đạt 854 tỷ đồng. Như vậy, trong quý 2 vừa qua, Vietnam Airlines đã chịu lỗ khoảng 24 tỷ đồng. Doanh thu quý 2 là hơn 21.800 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Vietnam Airlines báo lỗ. Quý 4/2016 vừa qua, hãng hàng không quốc gia cũng lỗ 286 tỷ đồng.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, chiến lược của Vietnam Airlines là phát triển ổn định và bền vững, giữ quy mô hợp lý và hiệu quả, không chạy theo chỉ tiêu thị phần ngắn hạn.

Theo ông Thành, trong 3 năm vừa qua, thị trường hàng không giá rẻ phát triển cực nóng và nhanh, đặc biệt là thị trường nội địa và nổi bật nhất là Vietjet. Tổng thị trường giá rẻ đang chiếm khoảng 60% lượng khách. “Nói nôm na, đây là thị trường hàng không 2-3 sao, còn lại thị trường 4 sao của Vietnam Airlines với dịch vụ hàng không đầy đủ, có chất lượng, đẳng cấp, đúng giờ là 40%”, ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng, trong giai đoạn đầu của tất cả các hãng hàng không giá rẻ, được gọi là giai đoạn đầu tư, thì 5 đến 10 năm đầu đều phải chi phí tài chính cao và thua lỗ. Điều này xảy ra ở cả Singapore, Malaysia, Indonesia và kể cả Đài Loan, Hàn Quốc bây giờ cũng tương tự.

Những bài học rất lớn như ở Ấn Độ, Mỹ đầu năm 1990 hay như thị trường châu Âu bây giờ chỉ còn tồn tại 2 công ty lớn là Ryan Air và EasyJet còn tất cả “nấm sau mưa” mọc lên thì sẽ tự điều chỉnh, không thể tồn tại được dài hơi.

Call Now