Sân bay Heathrow của Anh đề xuất giải pháp thay thế cách ly

Sân bay Heathrow ở thủ đô London (Anh) ngày 29/7 kêu gọi chính phủ nước này lập một chương trình kiểm tra y tế cho du khách nhằm thay thế biện pháp cách ly tại sân bay đang áp dụng hiện nay.

Hành khách đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm virus corona chủng mới gây dịch viêm phổi tại sân bay Heathrow, London, Anh, ngày 28/1/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Heathrow vốn là một trung tâm vận tải hàng không đông đúc nhất tại châu Âu. Ban quản lý sân bay cho biết đã ghi nhận mức thua lỗ trước thuế là 1,1 tỷ bảng Anh (1,4 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm nay do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Thu nhập giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lượng khách giảm 96% trong quý II. Nói cách khác, vận tải hàng không đang bế tắc thực sự do các biện pháp phong tỏa chống dịch trên khắp thế giới.

Giám đốc điều hành sân bay Heathrow, ông John Holland-Kaye cho biết: “Anh cần một cơ chế kiểm tra y tế cho hành khách và phải thật nhanh”. Chính phủ Anh gần đây quyết định cách ly toàn bộ du khách đến từ Tây Ban Nha sau đợt gia tăng ca nhiễm mới tại nước này. Quyết định trên được đưa ra sau khi hệ thống được gọi là “cách ly đèn giao thông” được áp dụng hồi đầu tháng, theo đó những hành khách đến từ các nước có nguy cơ cao được yêu cầu phải cách ly 14 ngày. Những người chỉ trích cho rằng Anh nên làm theo các nước như Pháp và Đức và kiểm tra thân nhiệt đối với hành khách đến từ các nước có nguy cơ cao. Ông Holland-Kaye nhấn mạnh: “Kiểm tra y tế là cách để mở cửa an toàn cho du lịch và thương mại cho những thị trường lớn nhất của Anh đang bị đóng”. Ông lập luận rằng: “Các đối thủ cạnh tranh của chúng ta ở châu Âu đang vượt qua chúng ta nhờ hệ thống kiểm tra y tế khách du lịch, nếu Anh không sớm hành động, thì chiến lược “Nước Anh toàn cầu” sẽ chỉ là một khẩu hiệu tranh cử”.

Trước đó, để bảo vệ các quy định cách ly mới nhất, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo cần hành động “mau lẹ và quyết liệt” khi châu Âu đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai. Nhà chức trách lo ngại rằng hệ thống kiểm tra y tế tại sân bay sẽ bỏ sót những người đã nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng.

Sân bay Heathrow do một tập đoàn, đứng đầu là “gã khổng lồ” xây dựng Ferrovial của Tây Ban Nha, quản lý. Sân bay hy vọng du lịch hàng không sẽ phục hồi từng bước, song lượng khách sẽ vẫn giảm hơn 60% so với năm ngoái. Để đối phó với tình hình, sân bay đã giảm chi phí hoạt động ít nhất 300 triệu bảng đồng thời hoãn hoặc hủy hơn 650 triệu bảng các dự án. Sân bay với 7.000 nhân viên làm việc trực tiếp này cũng đã bắt đầu giảm biên chế tự nguyện và giảm 1/3 số nhân viên quản lý. Tổng cộng khoảng 76.000 người đang làm việc tại Heathrow, do khoảng 400 công ty khác nhau tuyển dụng, trong đó có các hãng hàng không.

Call Now