Thương vụ mua lại hãng hàng không Asiana Airlines

Bán lại hãng Asiana Airlines

Phiên đấu thầu bán lại Asiana Airlines đã kết thúc ngày 7/11, với sự tham gia của ba liên danh nhà thầu, là liên danh Tập đoàn Aekyung và Quỹ đầu tư mạo hiểm Stonebridge Capital, liên danh Công ty phát triển Hyundai (HDC) và hãng Mirae Asset, và liên danh Quỹ cải thiện quản trị doanh nghiệp Hàn Quốc (KCGI) và Quỹ đầu tư tư nhân BankerStreet. Được biết, liên danh HDC đề xuất giá mua lại Asiana từ 2.400 đến 2.500 tỷ won (2,05 đến 2,14 tỷ USD), có lợi thế hơn hẳn so với hai đối thủ còn lại, được cho là chỉ đưa ra mức giá từ 1.500 đến 1.700 tỷ won (1,28 đến 1,45 tỷ USD). Như vậy, Công ty xây dựng và kỹ thuật Kumho, cổ đông lớn nhất của hãng hàng không Asiana Airlines, đã lựa chọn liên danh HDC và công ty tài chính Mirae Asset là đơn vị ưu tiên đàm phán mua lại hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc.

Phương thức bán lại Asiana Airlines là đơn vị trúng thầu mua lại hơn 68 triệu cổ phiếu do Công ty xây dựng và kỹ thuật Kumho nắm giữ (chiếm 31%), và các cổ phiếu phổ thông do Asiana phát hành. Do đã được chỉ định là đơn vị ưu tiên đàm phán, dự kiến liên danh nhà thầu HDC sẽ sớm triển khai đàm phán chính thức với phía Kumho về việc mua lại Asiana. Quá trình hoàn tất hợp đồng sẽ mất khá nhiều thời gian, do Kumho sẽ phải tiến hành các quy trình cần thiết, như khai báo sáp nhập doanh nghiệp với trong và ngoài nước.

Hãng hàng không Asiana Airlines

Kể từ khi thành lập tháng 2 năm 1988, hãng hàng không Asiana Airlines đã phát triển nhanh chóng và trở thành hãng hàng không quy mô lớn của Hàn Quốc. Hiện hãng đang sở hữu 86 máy bay, khai thác 74 đường bay quốc tế tới 63 thành phố tại 21 quốc gia trên toàn thế giới. Năm ngoái, doanh thu của hãng đạt 7.183,4 tỷ won (6,14 tỷ USD), tăng 8,9% so với một năm trước, mức cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động. Dù doanh thu cao, nhưng lợi nhuận kinh doanh chỉ đạt 28,2 tỷ won (24,1 triệu USD), giảm 88,5% so với năm 2017. Thêm vào đó, lỗ ròng trong kỳ của hãng đạt 195,9 tỷ won (167,5 triệu USD), nên lợi nhuận bị chuyển thành thâm hụt. Dù kinh doanh hầu hết đều có lãi, nhưng cơ cấu tài chính yếu kém và vay nợ quá mức đã khiến hãng rơi vào khủng hoảng. Tính tới quý II năm nay, tổng nợ của Asiana đã lên tới 9.598,9 tỷ won (8,2 tỷ USD), tỷ lệ nợ trên giá trị tài sản là 660%. Khủng hoảng tiếp diễn khiến tập đoàn Kumho Asiana phải đệ trình kế hoạch tự giải cứu lên nhóm chủ nợ, nhưng đã bị từ chối. Sau đó, tập đoàn này đã phải sửa lại kế hoạch, đề xuất cả phương án bán lại hãng Asiana, và đã được nhóm chủ nợ chấp thuận. Sau đó, các chủ nợ đã rót thêm 1.700 tỷ won (1,45 tỷ USD) tiền vốn để hãng bình thường hoá hoạt động kinh doanh, rồi xúc tiến bán lại.

Nếu dùng số tiền hơn 2.000 tỷ won (trên 1,7 tỷ USD) mà liên danh HDC đề xuất để mua lại cổ phiếu phổ thông do Asiana phát hành, thì vốn hiện tại của Asiana là 1.400 tỷ won (1,2 tỷ USD) sẽ tăng lên thành hơn 3.000 tỷ won (2,57 tỷ USD), tỷ lệ nợ giảm còn 277%, cơ cấu tài chính sẽ ổn định hơn. Khi đó, xếp hạng tín nhiệm của công ty sẽ được cải thiện, huy động vốn dễ dàng hơn, tạo ra chuỗi tuần hoàn tích cực cho hoạt động kinh doanh của hãng hàng không này.

Công ty HDC

Nếu mua lại thành công Asiana, công ty phát triển Hyundai sẽ vươn lên từ vị trí thứ 33 lên thứ 17 về giá trị tài sản doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh của hãng sẽ đa dạng hơn, từ xây dựng, phân phối, giải trí tới vận chuyển. Thương vụ này cũng sẽ tác động tích cực tới lĩnh vực phân phối, như cửa hàng miễn thuế, hay lĩnh vực kinh doanh khách sạn của HDC. Tuy nhiên, thị trường hàng không hiện nay đang tồn tại nhiều yếu tố tiêu cực, như sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng hàng không giá rẻ, hay sụt giảm nhu cầu hàng không. Một số chuyên gia chứng khoán lo ngại nếu bất ổn gia tăng, HDC có thể rơi vào tình huống xấu nhất là “lời nguyền của kẻ chiến thắng”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now