Tiếp viên hàng không Mỹ: Trúng tuyển còn khó hơn đậu Harvard

Hàng năm, hơn 100.000 người nộp hồ sơ để trở thành tiếp viên của một hãng hàng không Mỹ, và chưa tới 1.000 được nhận.

Tỷ lệ trúng tuyển chưa đến 1% của Delta Airlines khiến CNBC nhận định quy trình tuyển dụng của hãng này còn khắt khe hơn tuyển sinh của Đại học Harvard, ở mức 4,6% trong năm 2018.

“Lần đầu nộp đơn xin việc, tôi không được chọn. Trúng tuyển hãng hàng không này là điều khó không tưởng, nhưng tôi rất kiên trì. Tôi biết mình muốn công việc này, sự nghiệp này và không bỏ cuộc cho tới khi thành công”, Melissa Pittman trả lời CNBC.

Melissa vượt qua vòng phỏng vấn trong lần ứng tuyển thứ hai, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu. Những người may mắn được chọn trong 1% ấy phải trải qua khóa tập huấn kéo dài 8 tuần, chinh phục hàng loạt bài kiểm tra trước khi có thể cất cánh.

Melissa và Sarah phục vụ trong khoang hạng nhất trên chuyến bay.
Melissa và Sarah phục vụ trong khoang hạng nhất trên chuyến bay.

Vào giai đoạn cuối cùng của khóa đào tạo, những tiếp viên hàng không bắt đầu làm việc toàn thời gian nhưng phải chịu “quản chế” – thực hiện những nghĩa vụ trên chuyến bay, song không được phép quyết định điều gì. Một khi kết thúc thời gian thử thách trong 6 tháng, họ sẽ đảm đương nhiều trọng trách hơn.

Luật ngầm trên không

Melissa làm việc tại New York, mọi chuyến đi đều bắt đầu và kết thúc tại một trong những sân bay của thành phố. Nhận chuyến bay New York – Atlanta, Melissa có mặt tại quầy soát vé một tiếng trước giờ khởi hành. Đi cùng cô là phi hành đoàn gồm ba tiếp viên khác: Sarah Motter, Shannon O’Brien và Niguel Modeste. Bốn người họ chưa từng bay cùng nhau. “Bạn sẽ không bao giờ biết mọi người trong đoàn. Phi hành đoàn trên mỗi chuyến lại khác nhau”, Melissa tiết lộ.

Lần này Melissa là tiếp viên trưởng, đảm nhận nhiệm vụ chủ trì một cuộc họp trước giờ khởi hành và liên lạc trực tiếp với cơ trưởng, cũng như phát thông báo tới hành khách. Chỉ những tiếp viên dày dặn kinh nghiệm mới được giao trọng trách này, họ còn có thể sắp xếp lịch bay cho mình.

Phi hành đoàn không thể lên máy bay mà không mang theo “SkyPro”, thiết bị màu đỏ có kích thước như chiếc điện thoại thông minh cỡ lớn. Nó cung cấp thông tin về mọi thủ tục an toàn bay cho tiếp viên, nhận diện những hành khách cao cấp trên máy bay. “Chúng tôi sống và thở nhờ thiết bị này”, Melissa nói.

Nhiều người vẫn nghĩ tiếp viên là một ngành nghề nhàn hạ, không làm gì nhiều hơn phục vụ đồ cho hành khách. Melissa phủ nhận: “Lầm tưởng lớn nhất là mọi người nghĩ chúng tôi chỉ là những cô phục vụ mặt hoa da phấn”. Cô lấy ví dụ thực tế, khi một hành khách bắt đầu lên cơn đau tim hay cần trợ giúp y tế, người đầu tiên họ tìm đến chính là tiếp viên hàng không. Phi hành đoàn sẽ biết phải làm gì, vì họ được đào tạo để phản ứng trong những tình huống khẩn cấp.

Phi hành đoàn phải luôn sẵn sàng cho điều tồi tệ nhất: từ hỏa hoạn, tới tai nạn hay một hành khách khó ưa. Trong chuyến bay lần này, sự cố nghiêm trọng nhất cô phải xử lý là khi máy bay vào vùng nhiễu động.

“Khi những cốc nước sóng sánh, đó là nhiễu động vừa phải. Nếu một ly vang đỏ bắn tung tóe, máy bay đã vào vùng nhiễu động mạnh, nhưng với tôi chỉ là việc phải xử lý”, Melissa giải thích.

Sau khi hạ cánh, Melissa cùng cơ trưởng sẽ đứng trên cửa trước máy bay để cúi chào từng người trong số khoảng 200 hành khách. “Xin chào rồi tạm biệt, chắc tôi phải nói tới 600 lần những từ này một ngày”, cô nói.

Những giờ thảnh thơi

Kết thúc chuyến bay hai giờ từ New York tới Alanta, phi hành đoàn có bốn giờ nghỉ ngơi. Melissa cùng đồng nghiệp sẽ vào thành phố dạo chơi, tranh thủ chợp mắt trong phòng nghỉ riêng của tiếp viên, tập gym tại sân bay hoặc ăn uống. Vào những ngày khác, họ có thể chỉ có một tiếng nghỉ ngơi, rồi lại tới thẳng cổng soát vé cho chuyến tiếp theo.

Shannon O’Brien tiết lộ cô thích tranh thủ sắp xếp lịch bay trong lúc rảnh: “Tùy vào thâm niên mà chúng tôi có thể chọn chặng nghỉ mình muốn hoặc bay bao nhiêu chuyến một ngày. Thực sự tuyệt khi có thể lên lịch theo ý dựa trên thâm niên của mình”.

Chuyện sướng – khổ của tiếp viên

Với thâm niên năm năm trong nghề, phần tuyệt vời nhất của công việc này là Melissa có thể nhảy lên một chiếc máy bay, tới thăm gia đình và bạn bè trên khắp nước Mỹ thường xuyên. Trước đây, cô từng làm việc văn phòng, ngồi yên tại một chiếc bàn giấy năm ngày một tuần.

“Một số người bắt tàu điện ngầm để đi làm. Tôi bay đi làm”, Melissa tiết lộ mình luôn phải bay 5 tiếng rưỡi từ nhà ở Los Angles đến chỗ làm. Thực tế, nhờ công việc di chuyển nhiều, Melissa có thể sống ở bất kỳ nơi nào cô muốn.

Sarah Motter, đồng nghiệp của Melissa, cũng tận dụng điểm này. Cô nối chuyến 20 tiếng từ Guam, nơi chồng đóng quân trong lực lượng Hải quân Mỹ. (Guam là một lãnh thổ của Mỹ, ở miền tây Thái Bình Dương). Sarah có thể tá túc tại nhà một đồng nghiệp nào đó ở New York khi cần.

Song, phần khó khăn nhất đối với Melissa là phải xa con triền miên, bỏ lỡ những ngày lễ tết hay dịp quan trọng của gia đình. “Tôi không thể dự sinh nhật lần thứ 18 của con trai, nhưng lũ trẻ nhà tôi đã quen với điều đó. Chúng biết rằng những kỳ nghỉ lễ như Giáng sinh của gia đình sẽ không diễn ra vào đúng đêm 24/12, mà có thể là giao thừa”, cô trải lòng.

Tuy nhiên, Melissa và toàn bộ phi hành đoàn đều cho rằng: “Chúng tôi đang làm một trong những công việc linh hoạt nhất về thời gian trong ngành công nghiệp hàng không. Có những tháng chúng tôi phải làm việc sáu ngày một tuần. Nhưng có những tháng chúng tôi có thể đi làm một đến hai ngày một tuần”.

Thù lao của tiếp viên hàng không cũng là một điểm lợi khi họ được trả từ 23 tới 54 USD một giờ tùy vào thâm niên, theo The Points Guy.

Nghề chọn người

Melissa và những đồng nghiệp thừa nhận họ không thể quay trở lại với công việc bàn giấy sau khi đi khắp thế giới, trải nghiệm lịch làm việc trong mơ.

Từng là người mẫu và làm việc trong ngành truyền hình, Melissa tiết lộ cô đã từ bỏ một vị trí có thu nhập rất khá để đến với nghề tiếp viên hàng không. “Tôi tới đây vì những giá trị lâu dài mà công việc này mang lại. Và tôi muốn đi đây đi đó, nhìn ra thế giới”.

Cuối cùng, đam mê đã chiến thắng mọi thử thách. Melissa bày tỏ: “Ngay cả vào những ngày căng thẳng nhất khi chuyến bay gặp sự cố kỹ thuật, bị hoãn vì thời tiết, chuyển hướng để cấp cứu, hành khách khó tính hay bất kỳ vấn đề nào khác, tôi vẫn yêu công việc của mình và quyết không đánh đổi nó vì bất kỳ thứ gì”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now