TS Trần Du Lịch: Hàng không giá rẻ, giá đắt phải sòng phẳng

Theo ông Trần Du Lịch, hàng không giá rẻ ở Đức không được hạ cánh ở khu thương mại, trong khi tại Việt Nam thì hạ tầng dùng chung.
Tại toạ đàm “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường vận tải hàng không” ngày 18/5, TS Trần Du Lịch đánh giá, vừa qua, việc xuất hiện các hãng hàng không giá rẻ đã tạo điều kiện rất lớn cho người dân di chuyển nhanh chóng từ nơi này đến nơi khác. Tuy nhiên, ông cho rằng vẫn có những tồn tại xung quanh câu chuyện “giá rẻ” cần phải nghiên cứu.

Ông Lịch kể, trong một lần đi công tác ở thành phố Hamburg của Đức thì nhận được tin con gái bay từ Anh sang. Ông đến sân bay quốc tế để đón con, tuy nhiên cô con gái lại bay hàng không giá rẻ, mà hàng không giá rẻ thì không được hạ cánh ở sân bay quốc tế khu thương mại.

Ông Trần Du Lịch.
Ông Trần Du Lịch.

“Sân bay quốc tế cho hàng không giá rẻ chỉ là khu nhà tôn của đường băng. Tức là họ có chia ra khu giá rẻ và khu thương mại. Ta thì khác, có lúc hành khách phản ánh là tiền tôi trả từ giá vé máy bay đắt thì tôi phải được hưởng dịch vụ tốt từ sân ga đến lúc lên xuống máy bay, nhưng có lúc giá rẻ hay giá đắt đều ở cùng một chỗ. Người trả giá vé đắt phải chịu cảnh chen chúc như người giá rẻ. Như vậy là không công bằng”, ông Lịch kể.

Nguyên đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, rất cần thiết phải phát triển hàng không giá rẻ, nhưng cũng cần có cách xử lý hài hoà hơn.

Một bất cập khác mà ông Lịch chỉ ra là trong vài năm gần đây, hàng không giá rẻ đã phá vỡ hết các dự báo quá tải sân bay do tăng quá nhanh. Theo ông, chính sách phải là chính sách quốc gia chứ không phải tự phát. Nếu phát triển các loại hình khác nhau mà tự phát, xử lý như hiện nay là phát sinh đến đâu xử lý đến đó thì không được.

“Đây là vấn đề quản lý nhà nước về chính sách. Tôi ủng hộ phát triển hàng không giá rẻ nhưng chính sách từ đầu tư quản lý tới hạ tầng sân bay, bến cảng, phải có nhìn nhận, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo sòng phẳng với nhau, cái gì ra cái đó”, ông Lịch nói.

GS Trần Thọ Đạt cũng cho rằng trong nền kinh tế thị trường có cạnh tranh và phá sản. Cạnh tranh là tiêu hao thị trường, chỉ khi có cạnh tranh thì doanh nghiệp mới phấn đấu có sản phẩm tốt và giá cả hợp lý hơn.

“Đây là bàn tay vô hình, nền kinh tế muốn tiến dần tới trạng thái đối lưu thì bàn tay vô hình phải kết hợp với bàn tay hữu hình, tức là có sự điều tiết của Chính phủ”, ông Đạt nói và đề nghị nhà nước cần đưa ra những quy định về điều kiện, năng lực mở đường hàng không, dự báo tổng cung, cầu để có quy hoạch mạng lưới phù hợp.

Thứ trưởng Giao thông Lê Đình Thọ khẳng định, hàng không giá rẻ bùng phát đã có tác động tích cực giúp việc đi lại tốt hơn. Trong khi vận tải đường sắt, bộ chưa đáp ứng được nhu cầu, giá vé hàng không lại ngang hàng với phương tiện khác thì hàng không giá rẻ sẽ được lựa chọn.

Ông Thọ cho biết, ở các nước cũng có hàng không giá rẻ nhưng họ vận hành theo quy luật tiền nào của nấy. Người nhiều tiền thì sử dụng dịch vụ tốt, ít tiền thì dịch vụ kém hơn.

“Ở Việt Nam chúng ta phục vụ người dân với phương châm tốt nhất. Vì vậy, hạ tầng, dịch vụ, quản lý nhà nước, quản lý không lưu… là bình đẳng cho các hãng. Tính theo mặt bằng chung của khu vực thì Việt Nam đang có ưu ái hơn các nước cho hàng không giá rẻ”, ông Thọ cho hay.

Call Now