Xem xét mở lại 6 đường bay quốc tế: Khó nhất là thu hút nguồn khách

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý và giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu mở lại 1 số đường bay quốc tế như thường lệ. Ngay sau đó, Bộ GTVT đã đề xuất mở lại 6 đường bay quốc tế khai thác ngay trong đầu tháng 8 tới, trước mắt với tần suất 1 chuyến/tuần.

Khó với đường bay Quảng Châu

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất. Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan làm việc với các nước về mở các chuyến bay thương mại giữa Việt Nam và các nước; tổ chức đón công dân Việt Nam tại các điểm trung chuyển lớn như Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào), Phnôm Pênh (Campuchia).

Ngay sau đó, ngày 14/7, Bộ GTVT đề xuất với Thủ tướng về mở lại 1 số đường bay thương mại thường lệ quốc tế. Thứ trưởng GTVT Lê Anh Tuấn phân tích, việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế sẽ có 1 số khó khăn, đặc biệt về nhân lực phi công và tiếp viên (vì phải bố trí tổ bay riêng, thực hiện cách ly); hạn chế khai thác tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM) do phải đóng 1 đường băng để sửa chữa. Đặc biệt, hiện tại, Bộ Y tế vẫn chưa có hướng dẫn chính thức về quy trình kiểm dịch y tế với khách nhập cảnh Việt Nam.

Trong khi đó, đây là tài liệu cần thiết để nhà chức trách hàng không các nước trao đổi cấp phép bay. Việc khôi phục đường bay quốc tế còn phụ thuộc đối tác nước ngoài, trên cơ sở có đi có lại. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại đường bay, đa số các nước có phản hồi tích cực.

Riêng với Trung Quốc, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Cục Hàng không Việt Nam nhiều lần đề nghị nhưng tới nay chưa nhận được phản hồi. Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ mở lại đường bay tới Quảng Châu và gửi thư đến Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này.

Lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Chính phủ cho phép mở lại 1 chuyến/tuần cho mỗi bên đối với mỗi quốc gia/vùng lãnh thổ (tức mỗi tuần có 2 chuyến khứ hồi/đường bay), sau đó tuỳ tình hình có thể tăng tần suất. Trước mắt khai thác các đường bay: Quảng Châu – Đà Nẵng; Tokyo – Hà Nội; Seoul – Hà Nội, Đài Bắc – TPHCM, Viêng Chăn – Vân Đồn, Phnôm Pênh – Cần Thơ. Dự kiến thực hiện chuyến bay thường lệ đầu tiên từ đầu tháng 8 tới.

Với hành khách, theo ông Tuấn, khách nhập cảnh Việt Nam phải có visa hợp lệ, thực hiện cách ly phòng dịch ngay khi nhập cảnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Với tần suất khai thác trên, Bộ GTVT tính toán, mỗi tuần sẽ có 2.500 – 3.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam trên các chuyến bay thường lệ trên.

Kiểm soát chặt nguồn khách có nguy cơ lây dịch

Trước đó, Cục Hàng Không Việt Nam đưa ra một số đề xuất về việc mở lại đường bay quốc tế thường lệ, đặc biệt là trong kiểm soát lây lan dịch bệnh COVID-19. Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng đề cập mô hình “di chuyển nội khối” (Travel bubble) một số quốc gia/vùng lãnh thổ đang áp dụng. Theo đó, 2 hoặc một số quốc gia đã khống chế thành công dịch COVID-19 có thể thống nhất tạo ra 1 hành lang di chuyển, như: Estonia – Latvia – Litva; Úc – New Zealand…

Theo ông Thắng, để duy trì và đảm bảo tính khả thi, không nên hạn chế nguồn khách, gồm cả khách du lịch, với điều kiện khách tuân thủ đúng quy định của Việt Nam sẽ được nhập cảnh. Đường bay quốc tế có thể mở đến các quốc gia/vùng lãnh thổ không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng trong 30 ngày liên tục; không chấp nhận khách quá cảnh. Khách phải ở quốc gia/vùng lãnh thổ đối tác tối thiểu 30 ngày liên tục trước khi thực hiện chuyến bay.Khách phải có giấy chứng nhận âm tính SARS-CoV-2 được cấp trong vòng 3 ngày trước ngày bay. Khi xuống sân bay của Việt Nam, khách phải được xét nghiệm nhanh bằng bộ kit xét nghiệm SARS-CoV2. Chi phí xét nghiệm do hãng hàng không chi trả. Hành khách nhập cảnh phải lưu trú tại các địa điểm do UBND cấp tỉnh chỉ định và có trả phí.

Với tổ bay, nhân viên hàng không, nhân viên quản lý xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch y tế phụ trách chuyến bay, theo ông Thắng, phải trang bị đồ bảo hộ và không phải cách ly sau chuyến bay.

Đại diện các hãng hàng không đều chưa đưa ra tuyên bố về việc bay quốc tế, mà đợi chỉ đạo từ Chính phủ và Bộ GTVT. Dù vậy, các hãng đều khẳng định luôn sẵn sàng nguồn lực để mở lại đường bay quốc tế thường lệ, trên cơ sở vẫn đảm bảo phòng chống dịch bệnh khi được nhà chức trách các quốc gia chấp thuận.

Một chuyên gia hàng không cho biết, để mở lại đường bay đã khó, để thu hút khách còn khó hơn, vì để ngăn lây nhiễm dịch bệnh, khách nhập cảnh buộc phải cách ly 14 ngày. Do đó, khách tới Việt Nam chủ yếu sẽ là người Việt về nước, hoặc những lao động, chuyên gia làm việc tại Việt Nam. Với khách du lịch sẽ khó hơn, vì muốn tham quan tại Việt Nam họ phải hết thời hạn cách ly 14 ngày, còn nếu chỉ ở trong các khách sạn, resort xong lại bay về nước thì không mấy hấp dẫn…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now