Sau khi bị dư luận lên án mạnh về việc liên tục hủy, hoãn chuyến bay, các hãng hàng không có chấn chỉnh khắc phục tình trạng này nhưng chỉ được một thời gian ngắn, gần đây các hãng hàng không lại liên tục hoãn giờ bay, nhưng dùng chiêu chia nhỏ thời gian từng khâu để qua mắt hành khách, cơ quan chức năng.
Chia nhỏ thời gian trễ
Theo quy định của Luật Hàng không, hành khách chỉ được bồi thường, hỗ trợ khi bị hủy, hoãn chuyến bay sau khi đã làm thủ tục tại sân bay (tức đã check-in). Do vậy các hãng hủy, hoãn chuyến kịp thời nhắn tin, điện thoại, thông báo cho hành khách biết trước vài giờ tính từ giờ bay, bởi khi đó khách chưa làm thủ tục check-in.
Các hãng hàng không chỉ mở quầy làm thủ tục trước 2 giờ rưỡi tính từ giờ bay, nên khi khách chưa làm thủ tục thì hãng hàng không chưa phải tính thời gian để bồi thường theo luật định. Đó là lý do có hành khách bị hoàn chuyến nhiều ngày liền, nhưng được thông báo trước nên không có cơ sở khiếu nại.
Nhiều bạn đọc cũng phản ánh: khi hành khách đã vào vòng chờ, đến giờ ra cửa lên máy bay thì được thông báo đổi cửa. Tưởng đổi cửa là đã đến giờ ra máy bay, nhưng sau đó lại phải chờ.
Ngày 14.12 hành khách đi chuyến bay 169 của hãng Vietjet từ Hà Nội đi TP.HCM được nhắn tin hoãn giờ bay từ lúc 13 giờ 40 thành 14 giờ 30, nhưng lên máy bay rồi lại mất thêm 30 phút nữa mới cất cánh.Đến khi máy bay hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất thì đã trễ đến 2 giờ.
Cũng trong ngày 14.12 hành khách đi chuyến bay 161 của Hãng Vietjet cũng phản ánh: giờ khởi hành lúc 15 giờ 5 nhưng rồi thông báo hoãn 30 phút do chuyến bay từ Đà Lạt chưa về kịp. Rồi do thủ tục rề rà, thực tế chuyến bay này đã trễ gần 1 giờ.
Bạn đọc Nguyễn Mai Anh phản ánh, chị thường xuyên đi giao dịch bằng máy bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific, gần đây hay gặp tình trạng bị hoãn giờ bay với nhiều lý do khác nhau. Các chuyến bay từ Hà Nội – TP.HCM của Vietnam Airlines cũng liên tục hoãn từ 30 phút đến 2 giờ. Lý do hoãn không phải vì sự cố kỹ thuật hay do thời tiết mà do điều độ bay.
Hành khách chịu phần thua thiệt.
Trong khi hành khách trễ vài phút thì không được ra máy bay, nếu mua vé giá rẻ sẽ không được hoàn vé, còn hãng hàng không thì được tùy tiện hoãn chuyến chỉ vì công tác điều hành, quản lý kém của mình khiến khách hàng phải gánh chịu bao hệ lụy.
Một bạn đọc bức xúc gọi đến đường dây nóng tòa soạn, kể, hôm đó tổng công ty của anh làm lễ khởi công một dự án nên anh đăng ký chuyến bay sớm để kịp tập trung tại Hà Nội để xe đưa về Nam Định. Nào ngờ khi check-in xong, vào phòng chờ thì nhận thông báo hoãn chuyến hơn 1 giờ. Anh rơi vào thế kẹt: giờ khởi công đã định, chuyến bay bị hoãn, anh ra đến Hà Nội thì xe đón về Nam Định đã đi rồi, anh tìm được phương tiện khác để đến nơi thì lễ khởi công đã xong.
Mới tuần trước, 60 hành khách của Vietnam Airlines cũng gặp chuyện bất bình. Phỏng vấn qua đường dây nóng của báo, hành khách cho hay: “Đoàn khách này đăng ký chuyến bay của Vietnam Airlines đến Chu Lai (Quảng Nam) do đường bay này chỉ có Vietnam Airlines hoạt động nên họ phải mua vé rất cao 2,2 triệu đồng/lượt/người. Thế nhưng cuối cùng chuyến bay TP.HCM – Chu Lai bị hủy, Vietnam Airlines đưa hành khách xuống sân bay Đà Nẵng có rất nhiều chuyến của các hãng hàng không cạnh tranh, nên giá khuyến mãi chỉ khoảng 900.000 đồng/lượt, nếu đi xe buýt chỉ thêm 40.000 đồng, thì chi phí cũng chưa đến 1 triệu đồng, vậy mà họ vẫn phải trả 2,2 triệu đồng.
Hành khách nhẩm tính, với 60 người, có nghĩa Vietnam Airlines đã ăn chặn của họ hơn 70 triệu đồng, lẽ ra phải hoàn trả số tiền này và bồi thường thêm cho hành khách vì lỡ việc của họ.
Những cung cách như vậy đã để lại trong lòng hành khách nhiều ấm ức.