Chuyến bay xanh – xu hướng mới của ngành hàng không

Khí thải hàng không là một trong những yếu tố dẫn tới biến đổi khí hậu, hơn 1 tỷ tấn carbon mỗi năm thải ra từ các chuyến bay, chiếm 2,5 – 3% lượng khí thải toàn cầu.

Nỗ lực xanh hóa ngành hàng không

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, thế giới đang nỗ lực thay đổi theo hướng xanh hơn, bền vững hơn, và ngành hàng không cũng không nằm ngoài xu thế đó.

Những chuyến bay xanh đang được nhắc đến ngày càng nhiều hơn và trở thành mục tiêu mà ngành hàng không quốc tế hướng tới.

Năm 2022, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đạt thỏa thuận lịch sử về mục tiêu trung hòa khí thải carbon của các chuyến bay quốc tế vào năm 2050, tức là đưa mức phát thải ròng về 0. Ngày 28/11 vừa qua, một cột mốc đáng nhớ đã được thiết lập, khi hãng hàng không Virgin Atlantic của tỷ phú Richard Branson thực hiện thành công chuyến bay đường dài đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), có thể được sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp hoặc dầu thải đã qua sử dụng tại các nhà hàng.

Chuyến bay xanh - xu hướng mới của ngành hàng không
Chuyến bay xanh – xu hướng mới của ngành hàng không

Được tổng hợp từ dầu thải hoặc thực vật, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) có mức phát thải carbon thấp hơn 70% so với nhiên liệu máy bay làm từ dầu mỏ. Và chuyến bay thử nghiệm mới đây của Virgin Atlantic đã cho thấy, việc SAF từ chỗ chỉ được pha trộn với tỷ lệ nhỏ, tiến tới thay thế hoàn toàn nhiên liệu truyền thống là khả thi.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu bền vững có thể “đóng góp khoảng 65% mức cắt giảm khí thải mà ngành hàng không cần để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050”.

Những rào cản khi sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững

Nhiên liệu bền vững làm từ dầu thải, hay vật liệu gốc thực vật đang được sử dụng ngày càng nhiều hơn trong các chuyến bay và được coi là giải pháp hiệu quả hơn cả để cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, việc tăng tỷ lệ sử dụng loại nhiên liệu này vẫn còn nhiều rào cản lớn, từ sản lượng thấp cho tới chi phí cao.

Các số liệu thống kê cho thấy, lượng nhiên liệu hàng không bền vững SAF hiện đang được các hãng hàng không sử dụng chỉ chiếm 0,1% nhu cầu nhiên liệu máy bay trên toàn cầu. Việc sản xuất loại nhiên liệu này cũng chỉ được thực hiện rất nhỏ giọt, chủ yếu tại Mỹ và châu Âu, và vẫn ở ngoài tầm với của nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, theo Reuters, chi phí đối với loại nhiên liệu này hiện cũng khá đắt đỏ, cao hơn từ 3 – 5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Các chuyên gia ước tính, ngành hàng không quốc tế sẽ cần đầu tư từ 1.450 – 3.200 tỷ USD cho việc phát triển nhiên liệu bay bền vững đến mức đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyển đổi xanh tác động tới giá vé máy bay

Với chi phí cao như vậy, quá trình chuyển đổi xanh chắc hẳn sẽ làm gia tăng áp lực chi phí lên vai những người tiêu dùng. Người tiêu dùng tại một số khu vực đã bước đầu cảm nhận được những tác động này. Ví dụ như tại châu Âu, giá vé máy bay đã tăng lên sau khi ngành hàng không áp dụng nhiều biện pháp giảm phát thải như buộc các hãng bay mua tín chỉ carbon, hoặc thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu bền vững.

Quan điểm người tiêu dùng về những chuyến bay xanh

Một tờ báo Thụy Sĩ mới đây đã hỏi độc giả câu hỏi này. Nhìn chung, đa số độc giả cho rằng nếu cần đi máy bay thì vẫn cứ đi, thêm vài Euro cho quyền phát thải, bằng tách cà phê không phải là vấn đề. Nhiều người nói tự nguyện đóng góp để cảm thấy đỡ áy náy lương tâm, rằng mình đi máy bay là gây ô nhiễm nhiều, mất thêm vài Euro mua sự thanh thản cũng là hợp lý. Cũng có người không đóng góp, vì không biết khoản tiền ấy có được chi đúng mục đích hay không, hay chỉ là cách hãng bay tăng thêm thu nhập.

Còn về nhiên liệu sạch, nếu các hãng bay tăng tỷ trọng nhiên liệu xanh theo đúng lộ trình, giá vé có thể tăng mạnh. Khi đó, không thể biết hành khách châu Âu sẽ thay đổi hành vi như thế nào.

Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch dự đoán, giá vé máy bay sẽ phải tăng tới 22% vào năm 2050 mới đủ để trang trải chi phí cho quá trình khử carbon của ngành hàng không. Mức tăng như vậy chắc chắn sẽ khiến nhiều người tiêu dùng cảm thấy e ngại hơn, đòi hỏi các chính phủ, ngành hàng không phải có một lộ trình phù hợp.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng, dù còn nhiều rào cản, những nỗ lực xanh hóa lĩnh vực hàng không sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và tiếp sức cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Các ứng dụng công nghệ hướng tới hàng không bền vững

Ngành hàng không vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh các đổi mới công nghệ, không chỉ dừng lại ở việc thay thế nhiên liệu mà còn phát triển các động cơ mới, thân thiện hơn với môi trường.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now