Ngành hàng không khó phục hồi hoàn toàn trong năm 2024

Ngành hàng không phục hồi đáng kể hai năm vừa qua từ mức thua lỗ kỷ lục thời kỳ đại dịch. Dù vậy, trước nhiều nhân tố khó đoán định, nhiều ý kiến cho rằng trong năm 2024, ngành hàng không Việt vẫn chưa thể cán đích phục hồi…

Đại dịch đã “thổi bay” 4 năm tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam. Năm 2023, tổng doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) – “ông lớn” quản lý, khai thác 22/23 cảng hàng không, ghi nhận ở mức 20.034 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ và cao hơn trước dịch 9%; lợi nhuận trước thuế đạt 8.646 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022 nhưng mới bằng 85% thời kỳ đỉnh cao trước dịch.

Khách tổng thị trường khu vực châu Âu và Đông Bắc Á chỉ đạt mức độ phục hồi lần lượt là 45% và 64% so với năm 2019.
Khách tổng thị trường khu vực châu Âu và Đông Bắc Á chỉ đạt mức độ phục hồi lần lượt là 45% và 64% so với năm 2019.

Trong lĩnh vực vận tải hàng không, “anh cả” Vietnam Airlines khai thác hơn 130 nghìn chuyến bay an toàn trong năm 2023, tăng 5% so cùng kỳ và đạt gần 90% so với năm 2019. Sản lượng khách vận chuyển đạt 21,1 triệu khách, tăng 15,8% so cùng kỳ và đạt 92% thời kỳ trước dịch. Doanh thu công ty mẹ đạt 69,3 nghìn tỷ đồng, tăng 38% so cùng kỳ và bằng 95% năm 2019. Cùng với việc tiết giảm chi phí tối đa, hãng hàng không quốc gia giảm lỗ gần một nửa so cùng kỳ.

THỊ TRƯỜNG PHỤC HỒI YẾU HƠN KỲ VỌNG

Nhìn lại chặng đường đã qua, lãnh đạo ACV cho rằng thị trường vận tải hàng không quốc tế tuy phục hồi nhưng không đạt kỳ vọng. Thị trường nội địa bắt đầu có dấu hiệu chững lại từ sau tháng 4-5/2023 và bắt đầu giảm mạnh kể từ tháng 9-10/2023, chỉ đạt khoảng 70-80% so với các tháng trước.

Kết thúc năm, các cảng hàng không do ACV quản lý đón 114 triệu khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 33 triệu khách, tăng 176% cùng kỳ; tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1.207 nghìn tấn; tổng cất hạ cánh đạt 720 nghìn lượt chuyến.

Do thị trường hàng không phục hồi không như kỳ vọng, các hãng bay còn “gồng” gánh thêm chi phí tăng cao do biến động các yếu tố đầu vào khác như giá nhiên liệu, tỷ giá. Giá nhiên liệu bay bình quân cả năm khoảng 105 USD/thùng khiến chi phí phát sinh trực tiếp đối với hoạt động khai thác của các hãng hàng không lên tới hàng nghìn tỷ đồng nếu so sánh với năm 2019.

Bên cạnh đó, một yếu tố bất lợi khác cho các hãng hàng không là diễn biến yếu tố tỷ giá của các đồng ngoại tệ. Tỷ giá VND/USD là 23.900 đồng, tăng 2% so tỷ giá cùng kỳ và tỷ giá cuối năm tăng 3% so đầu năm. Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, các đồng bản tệ chính, chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động thu bán của các hãng hàng không Việt Nam như JPY, KRW lại mất giá mạnh.

Theo đánh giá của ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, năm 2023 là một năm khó khăn với các hãng bay. Phân tích kỹ với tình hình phục hồi thị trường hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam, ông Hòa cho rằng các khu vực, thị trường hồi phục khác nhau và tốc độ phục hồi các tháng cuối năm diễn biến chậm hơn so dự kiến đầu năm, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á.

Trái ngược với sự phục hồi các khu vực này, theo lãnh đạo Vietnam Airlines, khách tổng thị trường khu vực châu Âu và Đông Bắc Á, bao gồm cả khách thuê chuyến, chỉ đạt mức độ phục hồi lần lượt là 45% và 64% so với năm 2019. Nguyên nhân chính là do chưa khai thác trở lại các đường bay đến Nga và sự phục hồi chậm từ các thị trường nguồn Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông.

Theo đó, khu vực Úc và Ấn Độ có mức tăng trưởng mạnh nhất so với năm 2019 khi các hãng hàng không liên tục đổ tải vào khu vực này với một loạt đường bay mới và tăng tần suất so với thời điểm trước dịch.

Tại Đông Nam Á, thị trường diễn biến sôi động, mức độ phục hồi lên đến 99% so với trước dịch; đồng thời, có sự dịch chuyển điểm đến tới các điểm thu hút du lịch tại Thái Lan và Indonesia.

Tính chung trong năm 2023, khách tổng thị trường ước đạt 30,3 triệu lượt khách, bằng 2,6 lần so cùng kỳ, bằng 73,6% so 2019, và đạt 91,6% so dự báo đầu năm.

Với thị trường nội địa, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn dẫn đến sự suy yếu nhu cầu đi lại. “Mặc dù quý 1/2023 có sự phục hồi rất tốt và tăng trưởng mạnh tới 18% so với năm 2019, tuy nhiên thị trường chững lại ngay ở trong cao điểm hè và yếu dần trong các tháng thấp điểm, buộc các hãng phải có những điều chỉnh tải cung ứng để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường, đảm bảo cân đối hiệu quả sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo Vietnam Airlines đánh giá.

Tính chung trong cả năm 2023, khách tổng thị trường nội địa đạt 40,15 triệu lượt khách, giảm 6,9% so 2022 và tăng 7,5% so với năm 2019, đạt 85,9% so dự báo đầu năm.

Theo dự báo mới đây của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), vào năm 2024, khoảng 4,7 tỷ người dự kiến sẽ đi lại bằng đường hàng không, vượt con số 4,5 tỷ được ghi nhận vào năm 2019. Nhờ đó, các hãng hàng không sẽ đạt 25,7 tỷ USD lợi nhuận nhờ doanh thu kỷ lục 964 tỷ USD.

Tuy nhiên, khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến cần thêm thời gian để phục hồi. Trong đó, đặc biệt khu vực Đông Bắc Á được nhận định khó có thể phục hồi hoàn toàn trong 2024 do tình hình kinh tế chưa khởi sắc, đồng tiền nhiều quốc gia mất giá.

NÂNG CẤP HẠ TẦNG VẪN VƯỚNG MẮC

Bên cạnh bối cảnh kinh doanh có nhiều điểm không thuận lợi, nhiều hãng hàng không còn cho rằng tình trạng quá tải hạ tầng vẫn tái diễn, đặc biệt tại hai sân bay cửa ngõ gây nhiều thiệt hại. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện có công suất 28 triệu hành khách/năm song năm 2023, tổng sản lượng hành khách qua cảng hơn 40,7 triệu, vượt công suất thiết kế 150%.

Tính riêng năm 2023, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty chịu thiệt hại gần 500 tỷ đồng vì tắc nghẽn sân bay. Chặng Hà Nội – TP.HCM bay khoảng 2 giờ song do ùn tắc không lưu hoặc hạ tầng khiến máy bay phải bay vòng quanh Tân Sơn Nhất, làm tăng chi phí nhiên liệu và ảnh hưởng dây chuyền tới các chuyến bay khác.

Để hóa giải tình trạng quá tải hạ tầng tại hai sân bay lớn, ACV đang đầu tư hai dự án nâng cấp công suất các nhà ga hành khách, dự kiến hoàn thành trong năm 2024. Năm 2023 cũng ghi nhận những điểm sáng trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không khi nhiều dự án trọng điểm quốc gia được triển khai.

Nổi bật là dự án thành phần 3 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau nhiều nỗ lực đều khởi công những gói thầu quan trọng vào cuối tháng 8/2023 với tổng giá trị hợp đồng hơn 52.000 tỷ đồng và tiến độ đang bám sát kế hoạch.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo ACV, hiện còn nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng công trình cảng hàng không sân bay trên đất do đơn vị quân sự quản lý. Việc đầu tư xây dựng công trình để nâng cấp, mở rộng cảng hàng không sân bay, ngoài việc tuân thủ quy hoạch cảng hàng không sân bay, còn phải thực hiện thủ tục chuyển đổi đất quốc phòng sang đất hàng không dân dụng, phụ thuộc vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Những vướng mắc này gây tốn nhiều thời gian, lãng phí về cơ hội kinh doanh khai thác, làm tăng tổng mức đầu tư, tạo áp lực lớn đối với nhu cầu phát triển của thị trường hàng không, đặc biệt khi giải quyết tình trạng tắc nghẽn của cảng hàng không sân bay…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Call Now